Trong bài viết "Tạo sự đột phá, làm chuyển biến căn bản công tác kỹ thuật" đăng trên báo Quân đội Nhân dân, Trung tướng Lê Quý Đạm - Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) sau khi đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác kỹ thuật năm 2016 đã cho biết thêm một số thông tin đáng chú ý.
Cụ thể, TCKT làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng và tham gia thẩm định, nghiệm thu các dự án mua sắm, sản xuất, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) và các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ cho cơ sở bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) của các chuyên ngành, đơn vị toàn quân.
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ những năm trước, việc mua sắm vũ khí, khí tài được tính toán, đồng bộ với công tác BĐKT, nhất là phụ tùng, vật tư thay thế và phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa.
Đoàn công tác Bộ Quốc phòng tham quan mô hình cấu tạo tên lửa Uran-E tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: Thiện Thư - Quân đội nhân dân
Theo định hướng nêu trên, việc ký kết các hợp đồng mới sẽ phải đảm bảo yếu tố VKTBKT khi đưa vào khai thác sử dụng thì cơ sở hạ tầng phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa đã đi trước một bước và có tính kế thừa.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi hầu hết các khí tài quân sự hiện đại Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ sản xuất trong nước. Hạ tầng kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn sẽ đảm bảo duy trì khả năng chiến đấu trong điều kiện chiến tranh, đồng thời tiết kiệm không nhỏ ngân sách đầu tư nếu tận dụng được những gì có sẵn.
Máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không C-295 AEW
Như vậy, để thỏa mãn yêu cầu của công tác BĐKT, những chủng loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự sau đây liệu có "cửa sáng" hơn trước?
Đầu tiên là máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không (AWACS), những ứng viên được nhắc tới cho vị trí này của Việt Nam trong tương lai bao gồm C-295 AEW, Saab 340 AEW... nhưng C-295 AEW có lẽ có lợi thế nhỉnh hơn do sử dụng chung khung thân với máy bay vận tải C-295 (loại đang có trong trang bị), sẽ tạo thuận lớn trong công tác khai thác, BĐKT.
Đối với hệ thống phòng không tầm trung - xa, MR-SAM của Israel sẽ nắm giữ ưu thế trước Buk-M3 do sự tương đồng một số thành phần với SPYDER-MR; còn lên tới tầm xa, khó có ứng viên nào đe dọa được vị trí của S-400 cả ở tính năng kỹ chiến thuật lẫn sự "thân quen" trong vận hành, vì tổ hợp này được coi là bản nâng cấp từ S-300PMU2.
Gần đây Ấn Độ thông báo sẽ huấn luyện phi công lái Su-30 cho Việt Nam, điều này cho thấy trong ngắn hạn, chúng ta quan tâm nhiều hơn tới Su-30SM của Irkut chứ không phải Su-35S do KnAAPO chế tạo, dù đây là nơi lắp ráp những chiếc Su-30MK2 mà Việt Nam đang sử dụng. Nhưng với diễn biến mới, lựa chọn tiêm kích hạng nặng có thể cũng có sự thay đổi.
Tiêm kích Eurofighter Typhoon của châu Âu
Tuy nhiên không loại trừ khả năng sẽ có những chủng loại mới hoàn toàn "cập cảng" Việt Nam trong những năm tới (như SPYDER-SR/MR và các xe đầu kéo MAN) do công tác chuẩn bị đã được lặng lẽ triển khai.
Thời gian trôi qua sẽ cho đáp án rõ ràng nhất, nhưng định hướng trên vẫn đủ khiến những người yêu mến quân sự nước nhà dành sự quan tâm đặc biệt.