Malaysia là một trong những quốc gia thực sự may mắn, bởi họ được thiên nhiên trao tặng một hệ sinh thái với độ đa dạng (diversity) thuộc top đầu thế giới.
Thậm chí nói riêng về độ đa dạng của thiên nhiên Malaysia, chương trình môi trường của Liên hợp Quốc (UN) còn dùng đến từ "megadiverse", khi quốc gia này giống như một thế giới hoàn toàn khác để động thực vật phát triển vượt bậc.
Malaysia được thiên nhiên trao tặng quá nhiều thứ
Nhưng điều này cũng để lại một gánh nặng dành cho người Malaysia, đó là họ phải cố gắng đảm bảo cho sự đa dạng ấy mãi trường tồn.
Dẫu vậy, hành vi buôn bán động vật hoang dã tại Malaysia vẫn đang tồn tại và thậm chí là phổ biến, bất chấp nỗ lực của các nhà bảo tồn.
Từ chuyện những quả trứng rùa...
Trong một bài đăng trên Twitter, tiến sĩ Chen Pelf Nyok (tài khoản @pelf81) đã thuật lại một câu chuyện về việc ai đó đã mua một túi trứng rùa để ăn, song lại cất nó đi rồi quên bẵng mất.
Không rõ túi trứng được cất trong điều kiện gì, chỉ biết rằng môi trường ấy là đủ tạo ra điều kỳ diệu.
3 quả trứng trong túi đã nở thành rùa con. Chúng được chuyển tới cho tiến sĩ Chen, bởi cô là đồng sáng lập Hội bảo tồn Rùa tại Malaysia.
"Rùa sẽ nở và sống sót, chỉ cần ta cho chúng cơ hội," - trích bài đăng của Chen, kèm theo bức hình 3 con rùa xinh xắn đã chào đời thành công.
... đến vấn đề gây nhức nhối phía sau
Khoảnh khắc những chú rùa con chào đời trong khi số phận đáng lẽ đã phải ở... trong nồi quả thực là cảm động.
Tuy nhiên, sự việc lại khiến nhiều người cảm thấy thắc mắc, đó là vì sao trứng rùa vẫn đang tiếp tục được bán công khai tại Malaysia, trong khi về cơ bản thì chúng là loài vật đang trong danh sách nguy cấp.
Trên thực tế, chính quyền bang Pahang (nơi quốc vương Malaysia Yang di-Pertuan Agong đăng cơ hồi đầu năm 2019) đã ra văn bản nhắc nhở người dân rằng việc buôn bán, phân phối rùa và trứng rùa là trái với pháp luật trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên có một vấn đề, đó là ở bang Terengganu thì chỉ việc buôn bán rùa da (leatherback turtle) là bị cấm. Điều đó có nghĩa là các loài rùa biển thông thường khác, chúng vẫn bị con người săn đuổi và tiêu thụ.
Nhưng tại sao? Theo Bộ Ngư nghiệp Malaysia, các quy định liên quan đến bảo tồn rùa tại quốc gia này được quản lý và thi hành theo từng bang. Và tại Terengganu, chỉ rùa da là được bảo vệ dưới bộ luật ban hành năm 1951.
Rùa da
Trong một khoảng thời gian khá dài, quy định bảo tồn rùa "có chọn lọc" đã tạo ra một thị trường ngầm cực kỳ phổ biến dành cho trứng rùa - các loài không nằm trong quy định.
Trên thực tế, việc bán trứng rùa xảy ra rất công khai, thậm chí còn xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử.
Dĩ nhiên, cũng cần biết rằng vấn đề này đã được chính quyền chú ý và giải quyết. Trong một báo cáo gần đây đăng tải trên tờ The Straits Times, bang Terengganu đang lên kế hoạch cấm mọi hình thức kinh doanh trứng rùa.
Văn bản đề cập đến việc "số rùa trên mọi loài xuất hiện tại Teregganu đang giảm mạnh," lệnh cấm sẽ đánh thẳng vào mảng buôn bán trứng rùa vốn đã rất thịnh hành tại đây.
Dẫu vậy, vẫn chưa có thông tin chi tiết về việc lệnh cấm sẽ được thi hành như thế nào, và hình phạt gì sẽ được đưa ra.