Mua ô tô đã qua sử dụng và cách kiểm tra phần đầu xe đã bị đâm do tai nạn

Hà Minh/VOV.VN |

Mua ô tô đã qua sử dụng luôn đi kèm với rủi ro gặp phải những chiếc xe đã từng bị tai nạn. Trong đó, va chạm ở phần đầu xe là một trong những vấn đề phổ biến, có thể ảnh hưởng đến an toàn của người sở hữu và tuổi thọ của xe. Sau đây, là những mẹo nhỏ giúp bạn có thể kiểm tra cơ bản và nhận biết phần đầu xe ô tô đã từng bị đâm.

Khung xe và thân xe

Khung xe là một trong những bộ phận quan trọng nhất của xe, bởi nó ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ hành khách trong trường hợp xảy ra tai nạn. Để kiểm tra khung xe, chúng ta bắt đầu từ việc quan sát các khoảng cách giữa các bộ phận ở phần đầu xe, như khe hở giữa nắp ca-pô, đèn pha, cản trước và lưới tản nhiệt.

 - Ảnh 1.

Nếu khe hở này không đều hoặc không thẳng hàng, có khả năng phần đầu xe đã từng bị va chạm và phải chỉnh sửa gò nắn lại. Khi xảy ra tai nạn, xương đầu, khung xe có thể bị biến dạng, ngay cả khi đã được gò nắn và thay thế cẩn thận, các khe hở này khó có thể đồng đều trở lại như trạng thái ban đầu. Đặc biệt, những khoảng cách bất thường giữa nắp capo và thân xe là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự can thiệp của thợ kỹ thuật.

 - Ảnh 2.

Ngoài ra, việc kiểm tra màu sắc và độ bóng của lớp sơn trên phần đầu xe cũng là một mẹo nhỏ. Nếu phần đầu xe đã được sơn lại, lớp sơn thường có thể không đồng đều về màu sắc và độ bóng so với các bộ phận khác của xe.

Hệ thống đèn pha và cản trước

Đèn pha và cản trước là hai bộ phận thường xuyên bị ảnh hưởng trong các vụ va chạm phần đầu xe. Khi kiểm tra xe, chúng ta nên chú ý đến sự đồng đều giữa hai đèn pha. Nếu một trong hai đèn có màu sắc sáng và mới hơn bên còn lại, đây có thể là dấu hiệu đèn đã bị thay thế do va chạm.

 - Ảnh 3.

Một mẹo nhỏ khác để kiểm tra sự gắn kết của đèn pha và cản trước. Nếu chi tiết này không khăng khít chặt chẽ, có khoảng trống bất thường, rất có thể xe đã bị va đập và phải thay thế những bộ phận này. Hệ thống cản trước cũng cần được kiểm tra kỹ lưỡng, bằng cách tìm kiếm các dấu hiệu trầy xước, móp méo hoặc sự không nhất quán trong màu sắc của cản trước. Cản trước mới thay có thể có màu khác so với phần còn lại của xe. Nếu cản trước thay thế là loại kém chất lượng, sẽ đều mỏng manh và cảm giác dại hơn.

Két nước, hệ thống làm mát, động cơ, kính chắn gió, tai xe

 - Ảnh 4.

Phần đầu xe có các bộ phận quan trọng như: Két nước, két điều hòa, quạt gió điều hòa, quạt két nước và các hệ thống liên quan khác. Sau một vụ va chạm, những bộ phận này có thể bị hư hỏng và được thay thế. Để kiểm tra, chúng ta nên mở nắp capo và quan sát kỹ các chi tiết bên trong. Nếu két nước hoặc két điều hòa có dấu hiệu bị nứt, vỡ hoặc bị sửa chữa bằng cách hàn lại, rất có thể xe đã gặp tai nạn. Nếu các chi tiết này có dấu hiệu thay thế, chúng ta có thể phán đoán bằng cách xem tem mác, màu sắc, không đồng đều với các chi tiết bộ phận khác.

 - Ảnh 5.

Một mẹo nhỏ khác đó là kiểm tra khung đỡ két nước và quạt gió. Nếu có dấu hiệu bị uốn cong hoặc thay thế bằng các linh kiện khác, điều này có thể chứng tỏ xe đã va chạm mạnh. Ngoài ra, nếu bạn phát hiện các vết sơn mới trên các chi tiết như ốc nắp ca-pô, khoá nắp ca-pô, đinh tán, keo chỉ đã chạy lại, đó cũng là dấu hiệu của việc sửa chữa sau va chạm.

 - Ảnh 6.

Kính chắn gió cũng là chi tiết chúng ta nên kiểm tra. Mẹo nhỏ giúp các bạn có thể biết, kính chắn gió đã thay hay chưa, đó chính là xác định nguồn gốc, loại kính, và thời gian sản xuất của nó. Đi cùng kính chắn gió, các bạn kiểm tra hai bên cột chữ A, tai xe, tương tự với kiểm tra cản trước và nắp capo.

Kiểm tra dưới gầm xe

 - Ảnh 7.

Để kiểm tra được gầm xe, các bạn nên đưa xe lên cầu, bởi đây là khu vực phản ảnh gần như tất cả các lỗi của xe nếu bị đâm ở phần đâu. Khi phần đầu xe bị đâm, các thanh chịu lực và khung gầm phía trước có thể bị uốn cong hoặc bị hư hại. Nếu thợ gò nắn lại, các chi tiết này gần như sẽ không thể về được trạng thái ban đầu, chắc chắn vẫn có dấu hiệu để nhận biết. Còn nếu đã thay thế mới, chúng ta chỉ cần so sánh màu sắc của chi tiết đang nghi ngờ với các phần khác.

Hệ thống lái

 - Ảnh 8.

Cuối cùng, một yếu tố quan trọng cần kiểm tra là hệ thống lái. Sau một vụ va chạm phần đầu, hệ thống lái có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến những vấn đề như cảm giác lái nặng hơn hoặc nhẹ hơn so với bình thường. Để kiểm tra, bạn nên lái thử xe trên nhiều địa hình khác nhau và chú ý xem vô lăng có cảm giác rung lắc hay không. Nếu xe có xu hướng lệch về một phía khi bạn buông tay khỏi vô lăng, có thể hệ thống lái hoặc hệ thống treo trước đã bị hỏng do tai nạn.

Kết luận

 - Ảnh 9.

Việc kiểm tra và nhận biết xe ô tô đã từng bị đâm, đặc biệt là phần đầu xe, là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ năng cao. Bằng cách áp dụng các phương pháp kiểm tra như quan sát khe hở giữa các bộ phận, kiểm tra đèn pha, hệ thống làm mát, và sử dụng máy đo độ dày sơn, chúng ta có thể phát hiện được cơ bản dấu hiệu của những vụ va chạm trước đó. Tuy nhiên, để tránh mua phải những chiếc xe đã từng bị tai nạn, tốt nhất chúng ta nên mang xe ra trạm dịch vụ bảo dưỡng có uy tín, nhờ đội ngũ thợ kỹ thuật có tay nghề kiểm tra hộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại