Mua nhượng quyền khách sạn thời chớm dịch, giờ khóc ròng vì thu về 0 đồng, chi cả trăm triệu mỗi tháng

Thế Trần |

Mua nhượng quyền khách sạn tại Đà Lạt với giá 28 triệu đồng/tháng hồi cuối năm 2019 (âm lịch) khi Covid19 đang bùng phát ở Trung Quốc, giờ anh Nguyễn Thịnh đang gồng gánh mỗi tháng cả trăm triệu vì dịch bệnh.

Khóc ròng vì "bay" cả trăm triệu mỗi tháng, thu về 0 đồng

Anh Nguyễn Thịnh chia sẻ, anh chi 28 triệu/tháng để mua nhượng quyền khách sạn ở Đà Lạt. Cụ thể anh Thịnh sẽ thay chủ trước kinh doanh. Nội thất và cơ sở vật chất tại khách sạn anh được sử dụng luôn. Khách sạn 4 tầng và một tầng áp mái, vị trí gần bệnh viện, trường học, đường giao thông thuận tiện tại Đà Lạt.

Với khoản tiền đã thanh toán 6 tháng (162 triệu) cùng tiền mua nhượng quyền, anh Thịnh đã thanh toán trả đối tác của anh hơn 300 triệu đồng.

Anh Thịnh cho hay, khi anh mua nhượng quyền, dịch Covid19 mới đang ở Trung Quốc, sau đó 2 cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh tại Việt Nam. Anh không nghĩ dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp đến vậy.

Trước ngày ¼, trước quy định về cách ly xã hội, khách sạn của anh chỉ lèo tèo vài khách trong khi vẫn phải thuê lao công, trả tiền nước và điện. Hơn nữa, anh cũng lo dịch bệnh nên cũng rất cẩn thận khi nhận khách. Anh không dám nhận khách ở vùng dịch bệnh.

Tuy nhiên, sau ¼ theo lệnh cách ly toàn xã hội, anh Thịnh cho biết anh không còn nguồn thu nào trong khi đã thanh toán hết tiền cho đối tác nhượng quyền.

"Khách sạn ở Đà Lạt chỉ là một trong số khách sạn tôi kinh doanh. Ngoài ra, tôi còn vài điểm nữa, cũng trong tình trạng tương tự", anh Thịnh cho biết. Tính ra, con số mà anh Thịnh phải chi đến cả trăm triệu, trong khi doanh thu gần như bằng 0.

Về chuyện thương lượng với đối tác nhượng quyền để có thể giảm bớt gánh nặng về tài chính, anh đã ký hợp đồng 2 năm và cũng đã gọi điện cho đối tác nhượng quyền (người này thuê lại của chủ nhà với giá 20 triệu đồng/tháng) nhưng đối tác đã không còn bắt máy nữa.

Hỏi về kế hoạch thu hồi vốn, bù lỗ sau dịch, anh Thịnh cho hay, hiện giờ anh vẫn chưa biết phải làm sao và mong dịch nhanh qua để kinh doanh phục hồi.

Tình hình kinh doanh của anh Nguyễn Thịnh là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh chung của ngành du lịch khách sạn hiện nay.

Bức tranh ảm đạm của du lịch, khách sạn

Hàng ngàn công ty lữ hành phải tạm ngừng hoạt động; hàng loạt khách sạn, nhà hàng trên khắp cả nước đóng cửa. Trong quí 1 năm nay, khoảng 17.300 tỉ đồng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành đã bị bão dịch bệnh "thổi bay".

Tại trung tâm du lịch lớn cả nước, TPHCM, cũng không ngoại lệ. Đã có những khách sạn đóng vì Covid19 và cũng là để chung tay phòng chống dịch bệnh.

Theo Cục Thống kê TPHCM, trong trong quí 1/2020, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống của TPHCM giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước, ước tính còn 19.793 tỉ đồng.

Trong khi đó, trong báo cáo cập nhật tác động của Covid-19 đến thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam, Savills Việt Nam, cho biết trong tháng 2-2020, dù công suất phòng khách sạn đã bắt đầu giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các khách sạn tại TPHCM vẫn có công suất bình quân khoảng 48%.

Nhưng đến tháng 3/2020, công suất phòng tại TPHCM sụt giảm nặng nề. Đến tháng 4, sau thông báo cách ly xã hội, công suất phòng chắc hẳn còn ảm đạm hơn.

Mua nhượng quyền khách sạn thời chớm dịch, giờ khóc ròng vì thu về 0 đồng, chi cả trăm triệu mỗi tháng - Ảnh 1.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại