Mùa mưa ở Nga và Ukraine được gọi là “rasputitsa” - cụm từ để chỉ việc bùn lầy xuất hiện hình thành theo từng lớp rất dày vào mùa xuân khiến việc di chuyển qua lại giữa Nga và Ukraine bằng đường bộ trở nên khó khăn. Theo một số nhà bình luận, địa hình này lại mang đến cho Nga lợi thế lớn vì các lực lượng Moscow thường sử dụng nhiều xe bánh xích hơn quân đội Ukraine. Ông Emil Kastehelmi, một nhà phân tích nghiên cứu nguồn mở tại Black Bird Group có trụ sở tại Phần Lan, cho biết lính Nga vốn đã quen thuộc với tình hình thời tiết như vậy, trong khi Ukraine tỏ ra khá bối rối.
"Khu vực này chủ yếu là những cánh đồng rộng lớn, rất dễ trở nên lầy lội, ngập lụt khi mùa mưa đến. Đặc biệt, nếu không có công sự thích hợp, việc phòng thủ có thể rất khó khăn đối với quân đội Kiev", ông Kastehelmi mô tả về sườn phía Tây của lực lượng Ukraine ở Kursk.
Một blogger có tên Boris Rozhin đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh những người lính Ukraine kéo một chiếc xe bọc thép ra khỏi khu rừng ngập nước mưa, dọc theo một con đường lầy lội. Binh sĩ Stanislav Bunyatov thuộc tiểu đoàn Aidar của Ukraine cũng cho biết thời tiết xấu đã cản trở hoạt động của máy bay không người lái và thiết bị quân sự.
"Trong những cơn mưa, máy bay không người lái của chúng tôi không thể hoạt động hiệu quả. Nhiều phương tiện đang bị mắc kẹt trên đường di chuyển, bao gồm pháo hạng nặng và mìn", Bunyatov nói.
Đầu tháng 8, quân đội Ukraine phát động một cuộc tấn công bất ngờ về phía bắc dọc theo đường cao tốc Sudzha-Korenevo nối liền biên giới với Nga và nhanh chóng chiếm được hơn 1.000km2 lãnh thổ của đối phương. Dù góp phần nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ nhưng chiến dịch quân sự tại Kursk đã làm suy yếu khả năng phòng thủ của Kiev trên các chiến trường khác ở Ukraine, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ. Tháng trước, ông George Beebe, Giám đốc chiến lược lớn tại Viện Quincy có trụ sở tại Mỹ, cũng cho biết "những gì xảy ra trên đất Nga" trông giống như một "sai lầm".
Nga hiện đã điều động khoảng 50.000 binh lính từ các khu vực khác đến tỉnh Kursk, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết vào ngày 10/10, hơn hai tháng sau khi cuộc tấn công của Kiev vào lãnh thổ của Nga bắt đầu.
Nga đang đẩy mạnh tấn công các điểm tập trung nhân lực và thiết bị của Ukraine ở gần 20 địa phương thuộc Kursk; đồng thời, máy bay chiến đấu của Moscow cũng nhắm mục tiêu tới các lực lượng dự bị của Ukraine ở vùng Sumy giáp biên giới hai nước. Theo ISW, Nga đã chiếm lại 46% lãnh thổ từng bị mất vào tay Ukraine trước đó.
Trong khi giao tranh ở Kursk đang diễn ra quyết liệt, các lực lượng Nga vẫn không bỏ quên tiền tuyến Donbas. Nguồn tin chiến trường ngày 15/10 cho biết Nga đã chiếm được 2/3 khu vực Toretsk, một thị trấn tiền tuyến quan trọng với dân số trước giao tranh là 34.000 người.
Ở khu vực phía Bắc của tiền tuyến miền Đông Ukraine, các quan chức Ukraine cũng đã ra lệnh sơ tán dân thường khỏi thành phố Kupyansk trên bờ sông Oskil, trong bối cảnh Nga đang tiến dồn dập về hướng này. Tình hình chiến sự căng thẳng cũng khiến Ukraine phải đối mặt với khả năng thiếu điện, nước và các hỗ trợ nhân đạo trong mùa đông sắp tới, ông Oleg Sinegubov, người đứng đầu khu vực Kharkov, cho biết.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Zelensky vẫn coi việc bám trụ Kursk là trọng tâm trong "Kế hoạch Chiến thắng" - kế hoạch mà ông đã trình bày với Thủ tướng Anh Keir Starmer vào tuần trước. Theo mục tiêu ban đầu, Ukraine vẫn muốn biến Kursk thành con bài mặc cả trên bàn đàm phán, trong trường hợp một hội nghị hòa bình với Nga được tổ chức trong tương lai.