Mỗi đợt mưa qua đi, một kỷ lục mới lại được thiết lập
Hồ chứa đập Tam Hiệp ghi nhận lưu lượng nước là 46.000 m3/s vào 20h ngày 19, so với mức đỉnh 61.000 m3/s ghi nhận từ 8h sáng ngày 18/7 và duy trì trong suốt 18 tiếng đồng hồ. Chỉ số này vượt quá tiêu chuẩn lưu lượng nước cho phép đập xả lũ tự do, căn cứ theo quy hoạch phòng chống lũ của Tam Hiệp là 56.700 m3/s.
Tính đến 20h tối Chủ nhật, mực nước trong hồ chứa Tam Hiệp đạt mức cao kỷ lục 164.18m trong mùa mưa lũ, kể từ khi dự án được xây dựng. Trước đó, mực nước cao nhất từng được xác định là 163.11m. Đập Tam Hiệp đang trải qua bài kiểm tra năng lực lớn nhất từ trước tới nay.
Bộ Thủy lợi Trung Quốc ngày 13/7 cho biết 433 con sông ở Trung Quốc đã vượt mức báo động từ đầu tháng Sáu, trong đó có 33 con sông báo cáo mực nước dâng cao kỷ lục.
Ngày 18/7, Trung Quốc tiếp tục phát cảnh báo nguy cơ lũ lụt trên dòng Hoài Hà thuộc tỉnh Giang Tô sau khi mực nước tại trạm thủy văn ở Nam Kinh, thủ phủ Giang Tô là 10.26m, vượt mức cao kỷ lục 10.22m từng được ghi nhận ghi nhận năm 1954, theo Tân Hoa Xã.
Tỉnh An Huy kích hoạt ứng phó khẩn cấp lũ cấp 1, cấp cao nhất trong hệ thống ứng phó khẩn 4 cấp của Trung Quốc. Mưa lớn kéo dài kể từ 2/7 ảnh hưởng cuộc sống 3.64 triệu người dân, buộc 600.000 người tỉnh An Huy phải đi sơ tán, theo Tân Hoa xã.
Mưa lớn dự kiến vẫn còn xảy ra tại nhiều khu vực dọc Trường Giang.
Bảy con sông các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn bắt đầu vào thứ Bảy, dự kiến kéo dài đến thứ Hai. Dự báo lưu vực bốn trong số các nhánh chính của sông Dương Tử - sông Gia Lăng, sông Dân, Đà Giang, Hàm Giang - sẽ đối mặt với nguy cơ tràn bờ do mưa lớn kéo dài từ thứ Ba (21/7) đến thứ Năm (23/7), Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết.
Tỉnh An Huy (Trung Quốc) ngày 20/7. Ảnh: Xinhua
Chỉ biết chờ đợi
Những người dân sống gần hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây, buộc phải sơ tán. Sau khi ngôi làng Long Khẩu gần hồ nước ngọt này bị lũ lụt tàn phá vào tuần trước, ông Huang Guoqi phải bỏ nhà cửa, chuyển đến nơi trú ẩn.
Làng Long Khẩu ngập úng trong nước lũ ngày 16/7. Ảnh: China Daily.
Ông Huang, 50 tuổi, là nông dân làng Guihu, một trong những ngôi làng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ trận lũ tại huyện Bà Dương.
Vào ngày 12/7, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đạt độ cao kỷ lục 22.6m, cao hơn 3.6m so với mức cảnh báo. Vào thứ Ba tuần trước (14/7) diện tích mặt hồ lên tới 4.403m2, lớn hơn 25% so với mức cùng thời điểm hàng năm. Đây cũng là mực nước cao kỷ lục trong thập kỷ qua.
Mưa lớn tiếp tục đổ nước vào hồ Bà Dương cũng như các con sông nhỏ hơn trong khu vực. Tại ngôi làng nông nghiệp như Guihu, nơi sử dụng các con sông nhỏ này làm nguồn cung nước tưới tiêu cho hoa màu trở thành khu vực nguy hiểm.
Thu hoạch từ mía, gạo và dưa hấu có thể mang về cho người nông dân như ông Huang khoản tiền 6.435 USD mỗi năm nếu không gặp lũ lụt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vào ngày 8/7, lũ dọc sông Dương Tử, chảy vào hồ Bà Dương đã làm đê vỡ, nước "nhấn chìm" làng Guihu.
Sau khi phát hiện nước bắt đầu tràn ồ ạt vào ngôi làng, ông Huang, đang làm việc trên đồng dưa hấu, lúc đầu định quay lại nhà để di chuyển đồ đạc lên tầng. Nhưng thấy được sự nguy hiểm, ông đã bỏ lại của cải và đi sơ tán.
"Sau đó tôi phát hiện ra đồ đạc nhà mình đã bị chìm trong khoảng 1m nước. Tôi thậm chí cạn nước mắt rồi, không khóc nổi bởi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh này trước đây," ông Huang nói.
Kể từ ngày 9/7, ông và hơn 800 người dân làng khác bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đã ở lại trạm cứu hộ tập trung tại một trường tiểu học ở huyện Bà Dương.
Ông Huang được thông báo rằng nước lũ sẽ không hoàn toàn rút xuống cho đến cuối tháng sau. Ông đã thôi lo lắng cho nông sản và đồ đạc của mình, việc có thể làm duy nhất lúc này là chờ đợi.
Nơi trú ẩn tạm thời mùa lũ lịch sử. Ảnh: China Daily.
So sánh với đại hồng thủy 1998
Nhiều người dân so sánh trận lũ năm nay với cơn "ác mộng" đại hồng thủy năm 1998 đã cướp đi sinh mạng hơn 3.000 người.
Wu Hejiao, 62 tuổi, đến từ Guihu, đang sống tại trạm cứu hộ cùng chồng và cháu, cho biết, những trận lũ thường kéo dài hơn 1 tháng. Tuy nhiên, trước đây người dân không được hỗ trợ nơi ở, đồ ăn như bây giờ.
"Nhiều người sống trong những nơi trú ẩn đơn sơ, dựng tạm trên nơi đất cao, đủ nước uống nhưng không đủ nước tắm. Chúng tôi còn bị muỗi và côn trùng khác tấn công. Bây giờ, những nơi trú ẩn được đặt tại trường có điều kiện tốt, chúng tôi hầu như được đáp ứng các nhu cầu," bà nói.
Wu và chồng đã dành 18.000 nhân dân tệ năm nay để trồng khoảng 1ha đất trồng lúa và đậu tương với hy vọng sau vụ mùa sẽ thu được gấp 3 lần tiền vốn. Tuy nhiên, trận lũ đã dập tắt hy vọng của gia đình.
Bà nói rằng nếu lũ lụt giảm xuống trước cuối tháng này, may ra hoa màu sẽ được cứu. Nhưng nếu không, nông dân trong làng sẽ mất trắng.
Trong khi dân làng Guihu được chăm sóc tại các nơi trú ẩn, đội cứu trợ thảm họa gồm các kỹ sư, binh lính quân đội nhanh chóng gia cố đê điều, khắc phục các con đê bị vỡ.
Các chiến sĩ gia sức gia cố đê điều. Ảnh: Xinhua
Cuộc chiến còn rất gian nan
Cuộc họp của Ban thường vụ Bộ chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 17/7 yêu cầu, nhà chức trách vừa phải nỗ lực kiểm soát lũ lụt vào cứu trợ thiên tai, vừa cần lên kế hoạch cẩn thận, chi tiết giúp hồi phục cuộc sống của người dân sau lũ.
Zhang Yongyong, 51 tuổi, đến từ làng Long Khẩu, huyện Bà Dương, vẫn đang sống tại nhà mặc dù ngôi làng đã ngập úng.
Tuy bị cắt điện, nước, khoảng 300 người vẫn quyết định ở lại làng. Một số người dân đã không thể liên lạc với các thành viên trong gia đình do mưa lũ làm hỏng các thiết bị viên thông. Phương tiện di chuyển duy nhất trong làng là thuyền.
Kể từ năm 2015, ông Zhang đã thuê khoảng 20 ha đất trong làng để trồng lúa. Năm nay, toàn bộ đất bị ngập úng, ước tính hoa màu thiệt hại khoảng 410.000 nhân dân tệ. Thiệt hại này sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh nợ nần.
Tuy nhiên, ông nói rằng khi bắt đầu làm nông, ông đã chuẩn bị tinh thần rất tốt. Ông lạc quan nói về những mất mát của mình, nói rằng lũ lụt không phải điều lạ, nhưng trước đây nó chỉ kéo dài trong ít ngày. Năm nay mưa lũ lịch sử đã khiến người dân bất ngờ.
"Trồng lúa không phù hợp với những người sợ lũ," ông nói, "theo kinh nghiệm của tôi, nước sẽ rút vào cuối tháng tới. Tôi sẽ lại dọn sạch cát đá, tôi sẽ chuẩn bị tốt cho năm tới."
Tính đến 10 giờ sáng ngày 18/7 nước trong hồ Bà Dương đã giảm xuống còn 21.8m, cao hơn 2.8m so với mức cảnh báo.
Mặc dù mực nước đã giảm, cảnh báo lũ lụt vẫn được đặt ở mức cao nhất do mưa lớn được dự báo sẽ vẫn tiếp diễn ở Giang Tây.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: