Từ chuyến "phiêu lưu" của chiếc máy tính cũ
Để ăn mừng sinh nhật của bạn gái, Luke Fortune đã lái xe từ 1 thị trấn nhỏ ở Trung tâm Oregon tới Portland, Mỹ rồi đậu xe trong một bãi đậu xe mất phí qua đêm. Nhưng sáng hôm sau, cậu phát hiện ra rằng kính cửa sổ xe đã bị đập vỡ, ba lô và laptop cùng những giấc mơ cho tương lai của cậu đã biến mất.
"Mọi thứ trong cái máy tính đó rất quan trọng đối với tôi. Các bài tập trên lớp, mỗi một bài luận tôi từng viết, tất cả các chương trình tôi cần cho các kỳ thi của mình, từng lá thư xin việc mà tôi đã viết. Tôi cảm thấy thật khủng khiếp", Fortune, chàng trai 21 tuổi đang theo học để trở thành một nhân viên cấp cứu cho biết.
Hai ngày sau vụ trộm, có một thanh niên trẻ đang đứng bên ngoài căn hộ của mình, cũng ở thành phố Portland. Masoud Almazrouei, 29 tuổi là một sinh viên trao đổi tới từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Đột nhiên có một người đàn ông đi tới và nói anh ta có một chiếc máy tính xách tay cũ cần bán, giá chỉ 200 đô. Almazrouei mới chỉ tới Mỹ được một năm, thừa nhận mình là người khá ngây thơ. Vì đang cần máy tính nên cậu đã mua ngay không suy nghĩ và đem về nhà.
Khi bật chiếc máy tính lên, chỉ vài giây sau, cậu thấy các file dữ liệu và ảnh chụp.
Khi bật máy tính lên, Almazrouei mới biết đây là chiếc máy tính bị đánh cắp. (Ảnh minh họa)
"Tôi nghĩ ai đi bán máy tính mà lại không xóa dữ liệu thế này? Chính lúc đó tôi đã nhận ra là mình mua phải đồ bị đánh cắp rồi", Almazrouei cho biết.
Cho tới câu chuyện về lòng tốt của con người, giản dị nhưng ấm áp
Thế rồi, chàng sinh viên 29 tuổi tìm kiếm thêm dữ liệu trong máy tính và phát hiện ra thứ có thể là số điện thoại chủ nhân của chiếc máy tính đó.
Trong khi đó, Fortune, cậu sinh viên mất máy tính bỗng nhận được một cuộc điện thoại. "Anh ta có giọng khá nặng, bảo tôi là anh ta đang giữ máy tính của tôi. Anh ta nói đó là lỗi của anh ta. Nhưng tôi lại nghĩ đó là một trò lừa đảo và bảo nếu đúng như vậy thì anh hãy đem nó tới cảnh sát đi", Fortune kể lại với phóng viên.
Chẳng bao lâu sau, một sĩ quan cảnh sát gọi cho Fortune và cho cậu biết có một thanh niên đã để lại một chiếc máy tính, nói rằng anh ta rất xin lỗi. Người này cũng để lại số điện thoại của mình.
Fortune đã gọi tới số điện thoại ấy, cảm ơn Almazrouei và khăng khăng muốn cảm ơn anh ta 200 đô la, đúng bằng số tiền Almazrouei đã bỏ ra để mua chiếc máy tính xách tay. Thế nhưng Almazrouei đã từ chối và nói việc mua máy tính từ người lạ là lỗi của mình và anh ta phải chịu trách nhiệm cho việc đó.
Quan trọng hơn, Almazrouei khẳng định là 1 người Hồi giáo, anh cảm thấy việc trả lại đồ bị đánh cắp cho chủ của nó là vinh dự và trách nhiệm của mình, để xóa bỏ những định kiến cực đoan mà người ta thường gắn với họ. "Tôi nhìn thấy 1 bức ảnh cậu ấy mặc đồng phục của nhân viên cấp cứu. Họ giúp người khác. Cậu ấy là người tốt. Tôi không cần phải lấy lại số tiền đã mất", Almazrouei cho biết.
Cảm động trước hành động đẹp của Almazrouei, mẹ của Fortune đã mời anh tới nhà dùng cơm.
Và cái kết có hậu cho chàng trai tử tế
Và như người ta thường nói, "Ở hiền gặp lành, người tốt nhất định sẽ được báo đáp", chẳng bao lâu sau khi trả lại cho Fortune chiếc laptop, hành động đẹp này đã khiến cho tên tuổi của cậu được nhiều người biết đến và khen ngợi.
Đặc biệt, có một hôm, Almazrouei đã nhận được cuộc gọi của Wim Wiewel, Hiệu trưởng trường Đại học Bang Portland, nơi Almazrouei đang theo học chuyên ngành kinh tế. Vô cùng ấn tượng trước sự tử tế và lương thiện của anh, ông Wiewel đã tặng cho Almazrouei một chiếc MacBook Pro mới cứng - niềm mơ ước của bất kỳ sinh viên nào.
Ông Wim Wiewel, Hiệu trưởng trường Đại học Bang Portland trao phần thưởng cho cậu sinh viên tốt bụng Almazrouei.
"Chúng tôi nghĩ vì cậu đã trả lại chiếc laptop cho chủ nó mà không cần báo đáp nên chúng tôi sẽ tặng cậu 1 chiếc máy tính để cậu có cái dùng. Chúng tôi rất tự hào về cậu. Đó là một câu chuyện tuyệt vời, và cậu đã làm điều đúng đắn", ông Wim Wiewel nói với Almazrouei.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, Almazrouei cho biết: "Tôi đã không mong đợi điều đó. Tôi không nghĩ mình sẽ nhận lại được điều gì. Nhưng tôi rất vui".
Theo Reader's Digest