Vào mùa lạnh, thời tiết tại các tỉnh miền Bắc vô cùng khắc nghiệt. Nhất là trong thời điểm trời chuyển sang rét đậm, rét hại dưới 10 độ C khiến cho mọi sinh hoạt đều trở nên vô cùng bất tiện. Nhiều gia đình quyết định lắp đèn sưởi để đảm bảo sức khỏe cho người thân khi đi tắm.
Tuy nhiên, trong thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp tai nạn do dùng đèn sưởi nhà tắm. Vì nhà tắm vốn là nơi ẩm ướt, có nguồn nước nên việc tiếp xúc với dây điện bị hở do chuột cắn, gián cắn... cũng đủ để gây nguy hiểm. Vào năm 2018, một gia đình tại Thái Nguyên đã gặp tai nạn do đèn sưởi nhà tắm phát nổ đột ngột, khiến 2 người đàn ông bị bỏng trong lúc cố gắng dập lửa.
Đã có nhiều vụ đèn sưởi nhà tắm phát nổ
Trước đó, gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở đường Hoàng Hoa Thám (phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội) cũng gặp phen hú vía. Khi vào phòng tắm, vừa bật công tắc đèn sưởi được vài phút, bất ngờ đèn phát nổ làm các mảnh thủy tinh bắn tung tóe.
Sai lầm khi sử dụng đèn sưởi nhà tắm mà các gia đình nhất định phải tránh xa
Mặc dù đèn sưởi nhà tắm có tính ứng dụng cực lớn nhưng các chuyên gia cho rằng nếu không sử dụng đúng cách thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, không khác nào đặt "quả bom" trong nhà.
1. Lựa chọn loại đèn sưởi giá rẻ, kém chất lượng
Theo Giảng viên khoa Điện Nguyễn Ngọc Quý (Đại học Công nghiệp Hà Nội), trên thị trường hiện nay có bày bán rất nhiều loại đèn sưởi, đa dạng về giá tiền, nguồn gốc và cả chất lượng. Tuy nhiên, các gia đình không nên ham rẻ mà lựa chọn loại đèn sưởi giả.
Đèn sưởi kém chất lượng sẽ lớp thủy tinh chịu nhiệt không tốt và không đủ dày, trong khi đó công suất đèn lại cao, điều đó rất dễ gây quá tải làm cháy bóng, nổ bóng.
Hơn nữa, môi trường trong nhà tắm rất ẩm ướt, lại chứa nhiều hóa chất tẩy rửa, càng tiềm ẩn rủi ro gây cháy nổ cao hơn.
Do đó, chuyên gia khuyên khi mua đèn sưởi, mọi người nên lưu ý chọn mua các hãng có tên tuổi, tại các nơi uy tín, có giấy bảo hành.
2. Thời gian sử dụng của đèn sưởi quá nhiều
Các chuyên gia cho rằng, không nên mở đèn sưởi quá lâu và tiếp xúc với đèn sưởi trong thời gian quá dài. Bởi đèn sưởi có công suất và bức xạ nhiệt cao, nếu dùng quá lâu có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Tốt nhất chỉ nên dùng đèn sưởi nhà tắm trong vòng 20 - 30 phút. Thời gian tối đa bạn có thể sử dụng là 40 phút.
3. Lắp đèn sưởi quá thấp
Lắp đèn sưởi quá cao thì hiệu quả giữ ấm sẽ không tốt, ngược lại lắp đèn quá thấp sẽ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng trong trường hợp đèn phát nổ. Tiêu chuẩn chung khi lắp đèn được các chuyên gia khuyến nghị là từ 1m8 đến 2m. Khoảng cách này cũng đủ an toàn để tránh xa tầm tay trẻ nhỏ.
4. Vô tư để đèn tiếp xúc với nước
Dù đèn có thiết kế kín nhưng không nên để đèn tiếp xúc với nước trong thời gian dài do nước có thể thẩm thấu vào đường dây dẫn gây ra chập điện hoặc khiến đèn bị chập cháy.
5. Không vệ sinh, kiểm tra đèn định kỳ
Các chuyên gia cho hay, để đảm bảo an toàn khi sử dụng đèn sưởi nhà tắm bạn cần thường xuyên kiểm tra xem bóng có bị hỏng hóc hay không, kiểm tra dây điện của đèn sưởi có bị hở, đứt không... để kịp thời thay mới và phòng chống cháy nổ.
Mỗi năm nên vệ sinh đèn sưởi tối thiểu 2 lần/năm vào thời điểm trước mùa lạnh lúc bắt đầu dùng đèn và sau mùa lạnh khi không dùng nữa. Thói quen này vừa làm sạch bụi bẩn bám trên bóng đèn, vừa giúp kéo dài tuổi thọ của bóng.