Hiện nay thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa tại khu vực miền Trung, miền Nam, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người dân chưa cao là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển.
Đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như COVID-19, sởi, cúm, tay chân miệng, tiêu chảy do vi rút Rota...; các bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, viêm não do vi rút… thường có nguy cơ gia tăng số mắc và có thể bùng phát dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch ngay từ đầu mùa hè năm 2021 và không để dịch chồng dịch, ngày 01/4/2021 Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 2289/BYT-DP gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh mùa hè trên địa bàn.
Chỉ đạo Sở Y tế triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, cách ly, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Phân tuyến điều trị, tránh lây nhiễm chéo
Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
[Đọc thêm: Phát hiện biến thể COVID-19 ‘siêu lây nhiễm’ mới, quan chức y tế nhận định 'đáng lo ngại']
Tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường dưới hình thức phù hợp với thực tế tại địa phương; chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh, cơ sở thức ăn đường phố; thông báo công khai các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế.
Tăng cường tuyên truyền cho người dân cách phòng chống dịch bệnh
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành y tế và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè khác, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm, thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch, ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực hiện tuyên truyền tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình.
[Đọc thêm: Pháp siết chặt phong tỏa sau khi phát hiện 18 đột biến trong biến thể COVID-19 mới]
Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh trong trường học, bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, điện thoại: 024.38456255, fax: 024.37366241, email: [email protected]) theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chỉ đạo Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng cơ số thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp để khắc phục các tồn tại của địa phương, tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè.