Mùa hè, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thế nào?

Nguyễn Mi |

Mùa hè thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao.

Trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, gia tăng sử dụng nước đá ăn uống, nguyên liệu tươi sống bảo đảm an toàn, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…

Ngoài ra, mùa hè, thời tiết nóng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chín ở những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố do ô nhiễm thực phẩm, thức ăn chín.

Bên cạnh đó, hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.

Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến… tại các đám cưới/giỗ; không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… thì sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Mùa hè, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thế nào? - Ảnh 1.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè Cục An toàn vệ sinh thực phẩm- Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt “Lợi – Hại” của chiếc tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm.

Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng.

Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm.

Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Khuyến cáo thực hiện: 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn.

1. Chọn thực phẩm an toàn.

2. Nấu kỹ thức ăn.

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.

8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.

10. Sử dụng nguồn nước sạch.

Mùa hè, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thế nào? - Ảnh 2.

Tại Lâm Đồng, hơn 130 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn cưới, trong đó có nhiều trẻ em

Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm

1. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.

2. Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.

3. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.

Hơn 130 người nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau tiệc cưới

Thông tin từ UBND huyện Di Linh (Lâm Đồng), cho biết, địa bàn xã đã xảy ra hơn 130 trường hợp nhập viện cấp cứu do bị ngộ độc thực phẩm khi dự một đám cưới tại địa phương.

Trước đó ngày 12/5, Trung tâm Y tế huyện Di Linh đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho 136 bệnh nhân trong tình trạng ngộ độc thực phẩm, với các biểu hiện như nôn ói, đau đầu, chóng mặt và đi ngoài, trong đó có nhiều trẻ em.

Tất cả những bệnh nhân này đều tham dự một đám cưới được tổ chức vào lúc chiều tại Tổ dân phố Di Linh Thượng, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh. Sau khi dự đám cưới xong, các bệnh nhân đều có các triệu chứng buồn nôn, đi ngoài và sốt cao nên được gia đình đưa đi cấp cứu. Do số lượng bệnh nhân nhập viện quá đông nên Trung tâm Y tế huyện Di Linh đã điều động toàn bộ y, bác sĩ và tăng cường thêm giường bệnh ở các khoa để cấp cứu, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân.

Ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, hiện sức khỏe của tất cả các bệnh nhân đã cơ bản được ổn định, không có trường hợp nào gây nguy hiểm đến tính mạng và phần lớn đã được xuất viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại