1. Lợi ích của chanh leo đối với sức khoẻ
1.1. Chanh leo bổ dưỡng
Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng chanh leo rất giàu chất chống oxy hóa , vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe. Chanh leo là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào, đặc biệt là chất xơ, vitamin C và vitamin A.
Trong một quả chanh leo có chứa:
- Calo: 17
- Chất xơ: 2g
- Vitamin C: 9% giá trị hàng ngày (DV)
- Vitamin A: 8% DV
- Sắt: 2% DV
- Kali : 2% DV
Chanh leo rất giàu các hợp chất thực vật có lợi, bao gồm cả carotenoid và polyphenol. Theo nghiên cứu cho thấy, chanh leo giàu polyphenol hơn nhiều loại trái cây nhiệt đới khác như: chuối, vải, xoài, đu đủ và dứa.
Ngoài ra, chanh leo cũng cung cấp một lượng nhỏ chất sắt. Cơ thể chúng ta thường không hấp thụ tốt chất sắt từ thực vật. Tuy nhiên, chất sắt trong chanh leo đi kèm với rất nhiều vitamin C sẽ giúp tăng cường hấp thu sắt.
Chanh leo là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào.
1.2. Chanh leo giàu chất chống oxy hóa ngăn ngừa bệnh tật
Chất chống oxy hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho cơ thể khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh tật. Chúng giúp cải thiện lưu lượng máu, đặc biệt là đến não và hệ thần kinh. Chanh leo chứa rất nhiều chất chống oxy hóa. Đặc biệt, nó rất giàu vitamin C, beta carotene và polyphenol.
Polyphenol là các hợp chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm . Điều này có nghĩa là chúng có thể giúp giảm nguy cơ bị viêm mạn tính và các tình trạng khác như bệnh tim.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa quan trọng mà cơ thể cần để hỗ trợ hệ thống miễn dịch và quá trình lão hóa khỏe mạnh. Vitamin C tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách giúp cơ thể hấp thụ nhiều chất sắt hơn từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật, và có thể cải thiện khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng trong cơ thể.
Beta carotene cũng là một chất chống oxy hóa quan trọng. Cơ thể bạn chuyển hóa nó thành vitamin A, cần thiết để duy trì thị lực tốt.
Chế độ ăn giàu beta carotene có nguồn gốc thực vật có liên quan đến việc hỗ trợ giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư , bao gồm tuyến tiền liệt, ruột kết, dạ dày và vú.
Chanh leo chứa rất nhiều chất chống oxy hóa.
1.3. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Chanh leo chứa nhiều kali có lợi cho tim và cũng ít natri. Chế độ ăn nhiều chất xơ cũng có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Khi ăn cả hạt chanh leo chứa nhiều chất xơ có tác dụng đào thải cholesterol dư thừa từ bên trong mạch máu ra ngoài. Tuy nhiên, không nên lạm dụng hạt chanh leo vì có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa. Trái cây như chanh leo ít natri và giàu kali cũng giúp ổn định huyết áp.
1.4. Ăn chanh leo giúp phòng tránh táo bón
Chanh leo chứa nhiều chất xơ, với 2g chất xơ trong một khẩu phần.
Chất xơ là một thành phần quan trọng của chế độ ăn uống. Nó giúp điều chỉnh hệ thống tiêu hóa và giữ cho đường ruột khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón và rối loạn ruột.
Chất xơ hòa tan giúp làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, có thể ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến.
Chế độ ăn giàu chất xơ cũng có liên quan đến việc hỗ trợ giảm nguy cơ bệnh tật, bao gồm bệnh tim, đái tháo đường và béo phì.
1.5. Tốt cho người bệnh đái tháo đường
Chanh leo là một loại trái cây có chỉ số đường huyết (GI) thấp. Điều này có nghĩa là nó không làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn, là một lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, một hợp chất gọi là piceatannol được tìm thấy trong hạt chanh leo có thể cải thiện sự trao đổi chất, bao gồm cả độ nhạy insulin, giúp hỗ trợ giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh đái tháo đường.
Có thể sử dụng chanh leo làm nhiều món ăn ngon, đồ uống bổ dưỡng.
2. Một số cách ăn chanh leo ngon và giàu dinh dưỡng
- Ăn sống trực tiếp: Ngoại trừ phần vỏ, bạn có thể ăn được hết các bộ phận khác bao gồm cả hạt chanh leo bằng cách dùng thìa xúc phần thịt, nước ép và hạt ăn trực tiếp.
- Nước ép chanh leo: Bạn nạo phần thịt chanh leo, có thể để cả hạt hoặc dùng rây để lọc bỏ hạt, pha thêm chút đường và đá uống rất ngon.
- Sinh tố chanh leo: Bạn có thể sử dụng nước ép chanh leo kết hợp với sữa và các loại trái cây khác như: chuối, xoài, dứa… xay nhuyễn để có một ly sinh tố vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng.
- Các món ăn nhẹ, món tráng miệng làm từ chanh leo: Nước cốt chanh leo thường được sử dụng như một lớp phủ hoặc hương liệu cho các món bánh tránh miệng, bánh chanh leo, các món salad, nước sốt, sữa chua kết hợp với chanh leo giúp làm tăng hương vị, màu sắc và dinh dưỡng cho các món ăn.