Harriet Gordon, một tư vấn viên tuyển dụng ở London, thừa nhận chỉ giữ lại khoảng 50% số quần áo mà cô mua trực tuyến.
Nguyên nhân chủ yếu là vì chúng không hợp như cô kỳ vọng và đôi khi màu sắc cũng như chất lượng vải khác xa quảng cáo trên mạng.
Những "thượng đế" như Harriet không phải hiếm và họ gây ra nhiều phiền toái cho các cửa hàng bán lẻ.
Theo số liệu vừa được Công ty Điều hành Dịch vụ tài chính Barclaycard công bố, 25% cửa hàng bán lẻ Anh cho biết lượng đồ bị trả lại đã gia tăng trong 2 năm qua.
Xu hướng mua sắm hàng loạt rồi trả lại khiến các cửa hàng ở Anh gặp nhiều phiền toái, đặc biệt là vào những dịp giảm giá mạnh Ảnh: REUTERS
Đối với các cửa hàng quần áo và giày dép trực tuyến, khách hàng trả lại gần 50% món đồ đặt mua.
Mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân khiến xu hướng này phổ biến, với khoảng 10% khách hàng thừa nhận họ chỉ muốn chụp ảnh trong bộ trang phục mới để "khoe" trên Instagram hay Facebook chứ không hề có ý mua.
Nghiên cứu của ông Geoff Beattie, chuyên gia tâm lý tại Trường ĐH Edge Hill (Anh), ghi nhận cảm giác phấn khích khi mua sắm sẽ nhanh chóng tan biến khi họ mang đồ về nhà và nghĩ đến số tiền đã lãng phí.
Vì thế, họ trả lại và điều thú vị nhất là họ được phấn khích mà không tốn tiền.
Sự nở rộ của các cửa hàng bán đồ trực tuyến cũng khiến khách hàng không thấy "ngượng ngùng" và cũng chẳng cần giải thích lý do họ trả lại hàng.