Lễ công bố giải Nobel Y sinh 2023 cho nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman. Ảnh: AP.
Những nghiên cứu hướng về con người
Chiều ngày 2/10, tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska đã công bố giải Nobel 2023 Y Sinh. Phát biểu mở đầu “tuần Nobel” 2023, ông Thomas Perlmann - Thư ký Hội đồng Nobel nhấn mạnh, những “người hùng khoa học” được vinh danh năm nay có thể sẽ tạo ra “một mùa Nobel choáng ngợp bậc nhất trong suốt lịch sử 122 năm của giải cho đến nay”.
“Họ đã vượt qua hành trình đầy chông gai để tìm một lối đi mới trong nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, cống hiến cho hòa bình, làm giàu có thêm tâm hồn con người. Giải thưởng Nobel cũng chính là giành để tưởng thưởng cho những con người xuất chúng ấy” - đại diện Ủy ban Giải thưởng Nobel nói.
Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm thành lập từ năm 1901, dựa trên tài sản của ông Alfred Nobel, nhà phát minh và cũng là một doanh nhân người Thụy Điển. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y Sinh, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là Giải Nobel Kinh tế.
Mỗi giải thưởng gồm Huy chương, Bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng. Từ năm 1901 đến năm 2022, giải thưởng này đã được trao 615 lần cho 989 cá nhân và tổ chức trên thế giới. Chủ nhân giải Nobel năm nay sẽ được nhận khoản tiền thưởng 11 triệu krona Thụy Điển (986.000 USD), tăng 1 triệu krona Thụy Điển so với năm 2022.
Với các giải Nobel năm nay, truyền thông quốc tế nhấn mạnh tới yếu tố “hướng về con người một cách thiết thực”. Bằng chứng là cả Nobel Y Sinh, Hóa học, Vật lý và Văn chương đều lấy việc phục vụ con người làm mục đích, bên cạnh việc theo đuổi giá trị đỉnh cao của khoa học. “Trực tiếp hay gián tiếp, các nghiên cứu khoa học cơ bản đã tác động tích cực tới y học, trên phương diện vaccine, thuốc, hay phương pháp điều trị các bệnh nan y” - nhận xét trên tạp chí khoa học Science et Vie.
Trong đó, đặc biệt phải kể đến Giải Nobel Y Sinh 2023 được trao cho 2 nhà khoa học với những phát minh mang tính đột phá, thay đổi hiểu biết căn bản về cách mRNA (RNA thông tin) tương tác với hệ miễn dịch. Điều đó đã giúp tốc độ phát triển vaccine nhanh chưa từng thấy khi nhân loại đối diện với mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất thời hiện đại: Đại dịch Covid-19.
Giải Nobel Hóa học 2023 trao cho 3 nhà khoa học cũng được coi là mang lại đột phá cho y học. Họ đã phát hiện và phát triển chấm lượng tử, một dạng tinh thể nano đột phá; chúng có thể chiếu sáng mô khối u cho bác sĩ phẫu thuật. Theo Chủ tịch Ủy ban Nobel Hóa học Johan Aqvist, chúng được ví như "ánh sáng dẫn đường" trong các ca phẫu thuật phức tạp, đặc biệt là trong phẫu trị ung thư nhằm loại bỏ chính xác, tận gốc nhất các mô bệnh và hạn chế tổn thương mô lành để “gỡ án tử” cho bệnh nhân.
Còn đương nhiên văn chương là lấy cảm hứng từ số phận con người. Giải Nobel Văn chương 2023 đã được trao cho kịch tác gia, nhà văn Na Uy Jon Fosse, tên tuổi lớn của văn học Bắc Âu. Khi công bố giải thưởng, Thư ký thường trực và Chủ tịch mới của Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển, ông Mats Malm, nhấn mạnh: Giải Nobel văn học năm 2023 được trao cho Jon Fosse vì những tác phẩm mang tính sáng tạo, lên tiếng cho những điều không thể nói thành lời. Tác giả đã khai thác góc khuất từ những tình huống hàng ngày trong cuộc sống, khi con người đứng trước sự lưỡng lự.
Thời gian chờ đợi ngày càng kéo dài
Tuy nhiên, như các Giải Nobel trước đó, cũng có những ý kiến khác. Trước hết, đó là việc những người đoạt giải Nobel thường được vinh danh trong khoảng hơn một thập niên sau khi công bố nghiên cứu đột phá, nhưng con đường đến giải thưởng danh giá này đang ngày càng kéo dài hơn trước. Hơn một nửa số nhà khoa học đoạt giải giờ đây phải chờ hơn 20 năm kể từ thời điểm đưa ra nghiên cứu xứng đáng đoạt giải Nobel.
Theo chuyên san Nature, thời gian trung bình từ lúc công bố báo cáo đến khi có thể nhận giải đã tăng gần gấp đôi trong 60 năm qua. Trong số 3 giải thưởng khoa học, lĩnh vực Hóa học “phải chịu đựng” thời gian chờ đợi dài nhất, trung bình khoảng 30 năm. Sau đó, với Nobel Y Sinh, thì cũng phải đợi tới 26 năm.
Trong khi Di chúc của Alfred Nobel nói rõ giải thưởng sẽ được trao cho "những ai, vào năm trước đó, đã tạo ra đóng góp lớn nhất cho nhân loại".
Theo Santo Fortunato - nhà khoa học máy tính của Đại học Indiana (Mỹ) thì những nhà khoa học xuất chúng như “nàng công chúa ngủ trong rừng và khi với tới Nobel thì họ đã trở thành công chúa già”.
Một số ý kiến khác cho rằng, mỗi Giải Nobel chỉ trao cho nhiều nhất 3 nhà khoa học. Điều đó khiến cho nhiều nhà khoa học xuất sắc khác thiệt thòi. Vì vậy, cần nâng số người được trao cùng một giải lên con số 5.
Nhưng, đại diện Ủy ban Giải thưởng Nobel 2023 đã trả lời rõ ràng là không.