Mua đứt nhà sau khi chật vật đi ở thuê
Trước khi sở hữu căn hộ đã hoàn thiện nội thất ở tuổi 30, Minh Huệ (SN 1992, Hà Nội) và con đã từng có khoảng hơn 1 năm đi thuê nhà. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của hai mẹ con.
"Lúc đó mình cũng khá mất phương hướng, lạc lõng, nhiều đêm nằm ôm con khóc, không biết tương lai như thế nào, cứ lang thang thế này nghĩ thương con, tội con. Chi phí mỗi tháng cũng mất 5-7 triệu cả thuê nhà, điện nước, gửi xe", Minh Huệ tâm sự.
Minh Huệ
Cô nàng suy tính: Nếu dùng tiền thuê nhà hàng tháng cộng thêm một khoản nợ hàng tháng thì hai mẹ con có thể sở hữu căn nhà riêng trong tương lai. "Thay vì cứ ở thuê đợi đến khi có đủ tiền mua đứt nhà, thì thôi vay trước trả dần. Cũng bằng thời gian đấy, số tiền đấy, nhưng 2 mẹ con sẽ được sống thoải mái hơn trong tương lai. Từ đó bản thân mình đặt ra quyết tâm phải mua nhà".
Một trường hợp khác, vợ chồng Thanh Vân (27 tuổi, đang làm tại ngân hàng, TP.HCM) đã mua căn hộ 67m2, với giá thành 3 tỷ đồng ở quận 7, sau đó chi thêm 100 triệu đồng cho chi phí cải tạo và mua mới nội thất.
Trước đó, họ suy nghĩ về chuyện mua nhà từ 4 năm trước. Bấy giờ, mong muốn của họ ngày càng mãnh liệt sau khi trải qua 2 năm dịch tại TP.HCM với giá thuê nhà 5-6 triệu đồng/tháng. Bởi công việc của cặp đôi đều bị ảnh hưởng mà chi phí nhà cửa vẫn đều đặn như thế nên họ thấy quá tốn kém khi bỏ tiền thuê nhà.
Thanh Vân
"Từ tháng 11/2021, bọn mình bắt đầu tìm kiếm căn nhà phù hợp, cũng khá vất vả đến tháng 3/2022, mình được mời tới nhà đồng nghiệp chơi và vô tình thấy ưng ý chung cư này. Giá thành cao hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu vợ chồng mình đề ra, nhưng vì ở trung tâm quận 7 nên khá hợp lý", Thanh Vân tâm sự.
Đã từng có nhiều năm sinh sống tại TP.HCM, cô thấy việc thuê nhà có nhiều điều phiền phức. "Vì đó không phải nhà của mình, mình đã gặp phải những cảnh khó chịu, bực bội khi ở thuê. Chẳng hạn, chủ khó tính với những điều khoản thuê nhà ràng buộc giờ giấc, không thể họp mặt bạn bè được và có giờ giấc quy định."
Tài chính khi mua nhà thế nào?
Cả Thanh Vân và Minh Huệ đều may mắn nhận được hỗ trợ tài chính từ gia đình nên không cần vay thêm nợ từ ngân hàng trong lần mua căn nhà đầu tiên.
Minh Huệ chia sẻ: "Mình cũng tính toán rất nhiều, cũng nghĩ sẽ vay ngân hàng trong khoảng 30 năm. Nhưng cũng may mắn vì được bên ngoại hỗ trợ thêm, cho mình vay không lãi suất nên bỏ qua được nỗi lo về lãi ngân hàng. Nhưng bản thân mình luôn có trách nhiệm phải chi tiêu tiết kiệm, gom tiền để trả dần cho ông bà. Khi căn nhà hoàn thiện, 2 mẹ con thật sự hạnh phúc khi được sống trong ngôi nhà của riêng mình, cảm thấy cuộc sống này thật sự có ý nghĩa!"
Không tính tiền học cho con, tiền ăn và các chi phí cố định khác, cô nàng đã dùng thu nhập còn lại để lên kế hoạch trả nợ. Cụ thể, cô dành 50% thu nhập để chi tiêu trong đó có các khoản cố định như tiền học, tiền ăn, điện nước.... Còn lại, cô nàng để tiết kiệm riêng, nếu không có việc cấp thiết thì nhất định không động đến.
"Từ ngày có con, mình cũng ít mua sắm đồ cá nhân như là quần áo, túi xách, hay giày dép, mình cũng ít khi dùng mỹ phẩm. Riêng những khoản đó mình cũng tiết kiệm kha khá rồi. Hơn nữa cũng ít đi chơi, không có thói tiêu xài hoang phí, chi tiêu có kế hoạch nên hầu như không bao giờ mình bị lạm phát hay khó khăn về quản lý tài chính".
Nhà của Minh Huệ
Còn về phía vợ chồng Thanh Vân, họ đánh giá ở thời điểm mua nhà, việc vay nợ ngân hàng có nhiều rủi ro.
"Ban đầu, vợ chồng mình cũng có lựa chọn phương án vay nếu không đủ khả năng mua đứt. Song, may mắn được người thân giúp đỡ, tụi mình mới mua được nhà mà không cần vay ngân hàng. Vì hiện nay kinh tế khá biến động, bão giá đã hơn nửa năm, nếu vay ngân hàng cũng đáng e ngại. Như đợt dịch, hàng loạt công ty đóng cửa, nhiều người mất việc nhưng vẫn phải gắng gượng đóng lãi cho ngân hàng. Mình trong nghề nên tiếp xúc nhiều trường hợp đó, cảm thấy khá rủi ro. Bên cạnh đó, tiền để đầu tư thì thời điểm này, đầu tư gì cũng đáng lo hết."
Cũng vì thế, họ đã dồn hết tiền tiết kiệm trong việc mua nhà, phục vụ mục đích "an cư lạc nghiệp". Sau khi tậu được nhà, họ mới trích thu nhập để đầu tư kinh doanh để "tiền đẻ ra tiền".
Tuy nhiên, Thanh Vân cũng chia sẻ: "Vay nợ là động lực cũng như cách xoay chuyển nguồn vốn để đầu tư kinh doanh tốt hơn, nếu bạn tự tin với việc đầu tư kinh doanh hoặc bạn có đủ khả năng điều hướng tài chính để an tâm không gặp rủi ro."
Nhà của Thanh Vân
Ảnh: NVCC