Trong những ngày Hà Nội rét đậm, có lẽ bãi giữa sông Hồng là một trong những nơi lạnh nhất của Hà thành. Trời đông rét mướt càng khiến cho những phận đời dân nghèo nơi đây trở nên tê tái.
Ngồi trên tấm đệm mỏng đã mủn trong chiếc bè xiêu vẹo ở cuối dãy của xóm Phao thuộc bãi giữa sông Hồng, ông Nguyễn Văn Phương (60 tuổi) xoa hai bàn tay đang nứt nẻ và tím tái vào nhau rồi lập cập kể: “Tôi quê gốc ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nhưng cuộc đời đưa đẩy đến đây cũng đã mấy chục năm. Ngày trước, khi bệnh hen suyễn và khớp chưa nặng, tôi vào bờ làm đủ thứ nghề, ai thuê gì thì làm nấy miễn sao có cái bỏ vào mồm. Cách đây 7 năm, vợ tôi bị bệnh rồi qua đời. Tôi sau đó cũng yếu dần và đến giờ thì không làm nổi gì nữa, tay chân lúc nào cũng run lẩy bẩy, mí mắt giật liên tục.
Mấy hôm nay trời trở rét đậm làm tôi không sao ngủ được. Đêm đông gió lùa tứ phía, gần sáng thì hơi nước từ sông bốc lên làm sàn bè lạnh buốt. Thân già bệnh tật này thì bao năm chịu rét quen rồi nhưng nghĩ thương con gái. "Nó nằm co ro vì lạnh mà sáng ra lại phải vào phố làm giúp việc. Không ngủ được lấy đâu ra sức mà làm quần quật cả ngày hôm sau”, ông Phương than.
Thấy trời nhá nhem, ông Phương run run đấu nối những chiếc bình ắc quy tích điện loại 12V ở một góc bè. Sau vài phút, ánh sáng đèn điện chiếu rọi khuôn mặt tiều tụy của chủ nhân căn bè. “Cả xóm Phao chưa nhà nào có điện nên ai cũng phải có cái bình ắc quy nhỏ hoặc vài tấm năng lượng mặt trời trên nóc bè để tích điện dùng cho việc thắp sáng vào buổi tối, những hôm trời không nắng có hộ tối om”, ông Phương nói.
Nghe hàng xóm kể, ông Nguyễn Văn Bình (SN 1951) nói với sang: “Không biết trên bờ thế nào chứ nhà dưới nước như chúng tôi lạnh lắm. Ba bố con đeo đến 4 lớp tất đi ngủ mà vẫn bị cước chân. Trước tôi cũng có nhà, có đất ở Đông Sơn (Thanh Hóa) nhưng vì mẹ bị ung thư nên bán hết để chạy chữa. Năm 1991 tôi đưa con ra đây rồi ở lại. Bao năm rồi nghèo vẫn cứ nghèo; hai thằng con tôi đều ngót ngét 30 mà vẫn chưa lấy được vợ; nói mà tủi thân nhưng nhà chẳng có, hộ khẩu cũng không, chúng nó đi làm xe ôm, giao hàng chạy bữa thì ai chịu về làm dâu”.
Ngắt quãng giữa những cơn ho, bà Phạm Thị Thu (63 tuổi) nói: “Thời tiết năm nay độc quá, từ đầu mùa rét đến giờ tôi ốm liên tục. Khổ nỗi nhà chẳng kín gió nên cứ đỡ ho mấy hôm là lại tái phát. Hôm giờ mua được mấy vỉ thuốc thì lọt luôn xuống sàn bè rồi”. Vừa nói bà Thu vừa chỉ về phía mấy thanh gỗ lát sàn bè ở ngay cạnh giường đã gẫy mục và nhắc khách vào nhà cẩn thận để không bị sẩy chân.
Bà Thu cho biết đã ở bãi giữa sông Hồng được 30 năm cùng với chồng là ông Nguyễn Đức Lương (60 tuổi, tật 1 bên mắt). Hai ông bà không có con. Ngày còn khỏe thì bà Thu nhặt sắt vụn còn ông Lương đi làm thuê, những ngày trái gió trở trời hai ông bà không đi làm được thì ở nhà ăn cơm nguội với nước mì tôm pha.
Ông Nguyễn Văn Được (74 tuổi), trưởng xóm Phao cho biết hiện tại nơi đây có tổng cộng 30 gia đình với 86 người sinh sống trong những căn nhà tạm làm trên bè ở bãi giữa sông Hồng. “Người dân ở đây đến từ khắp nơi như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa,…Bản thân tôi là người Bố Trạch (Quảng Bình) nhưng lưu lạc ra đây từ năm 1988. Đến năm 2004, xóm bãi giữa sông Hồng được thành lập, người dân ở đây đều không có hộ khẩu, không có nghề nghiệp ổn định nên người khỏe thì vào chợ trong phố bốc vác thuê, còn người yếu thì đi nhặt ve chai, đồng nát kiếm sống”.
Theo ông Được, do các gia đình ở xóm Phao chủ yếu là người lưu lạc ở nơi khác đến, không có giấy tờ, hộ khẩu, thành ra hơn 30 năm qua họ không có bảo hiểm y tế; những người ốm đau nặng như ông Phương không dám đi viện điều trị vì không có khả năng chi trả viện phí, thuốc men dẫn đến tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu.
Do cha mẹ, ông bà không có hộ khẩu nên trẻ em sinh ra ở đây rất khó có giấy khai sinh để đến trường. Cách đây nhiều năm ông Được đã tự đi liên hệ, vận động để mở ra lớp học tình thương và thư viện sách để dạy trẻ em trong xóm nhận diện được mặt chữ và con số.
“Một số năm gần đây, các cấp chính quyền, các tổ chức thiện nguyện xã hội đã có sự quan tâm hơn đối với người dân ở bãi giữa sông Hồng. Nhưng thực sự chúng tôi hi vọng sẽ được giúp đỡ hơn nữa. Chúng tôi hi vọng rằng trẻ em trong xóm sẽ được tạo điều kiện hơn khi đi học, được quyền thụ hưởng các dịch vụ về y tế, vui chơi, giải trí,…các dịch vụ phúc lợi xã hội khác giống như trẻ em mọi nơi; để sau này chúng trở thành người có ích cho xã hội, vươn tầm nhìn và cuộc sống ra khỏi những bãi lau, bụi chuối của bãi giữa sông Hồng này”.