Lịch sử đã cho thấy một trong những vấn đề lớn mà bất cứ lực lượng đối địch nào cũng phải đối mặt ở Nga đó là mùa đông, như những gì quân Napoleon đã trải qua năm 1812 và quân Hitler năm 1941. Tuy nhiên, thế kỷ 21 và những phương thức tác chiến hiện đại đã làm suy yếu đi nhân tố “mùa đông” của Nga.
Năm 2019, các cường quốc hàng đầu trên thế giới đã có trong tay nhiều hệ thống tấn công hoàn toàn khác biệt. Trong khi đó, trong những quốc gia mà Nga từng giao chiến trước đây, không có nước nào có các loại vũ khí chính xác và vũ khí hạt nhân.
Điều đó có nghĩa những kinh nghiệm giao chiến trong quá khứ chưa chắc đã có tác dụng nếu Nga phải đối đầu với một đối thủ có công nghệ tiên tiến hiện nay.
Liệu quân đội Nga có thể chiến thắng hay không? Tờ Russia Beyond đã nêu ra 2 kịch bản chiến tranh có thể xảy đến với Moscow trong bối cảnh hiện nay.
Chiến tranh phi hạt nhân với các hệ thống vũ khí chính xác
“Theo quan điểm của đối phương thì các loại vũ khí mới có thể vô hiệu hóa rào cản ‘mùa đông nước Nga’” - chuyên gia quân sự Viktor Litovkin của hãng TASS cho hay.
Theo quan điểm của ông, bất cứ cuộc xung đột quân sự hiện đại nào giữa Nga và đối thủ cũng sẽ có mục tiêu chính là giành quyền thống trị bầu trời, không gian, và quyền kiểm soát biển, bởi từ những hướng này, ‘cơn mưa’ tên lửa và các loại bom chính xác sẽ ồ ạt giội xuống...
(Nguồn ảnh: TASS)
“Còn các cuộc giao tranh trên bộ sẽ được tiến hành để giành quyền kiểm soát các mục tiêu và vị trí có tầm quan trong chiến lược sau khi ‘cơn mưa’ tên lửa và bom đã xóa sổ phần lớn các mối đe dọa. Những mục tiêu có tầm quan trọng chiến lược bao gồm các thành phố lớn như Moscow, St Petersburg, cầu đường, kênh mương, sân bay, trạm radar…” - Vị chuyên gia cho hay.
Cần lưu ý rằng, lãnh thổ Nga có diện tích hơn 17 triệu km2, do đó, việc kiểm soát các vị trí chiến lược và các đường dây thông tin liên lạc sẽ là “chìa khóa” để kiểm soát toàn bộ nước Nga.
“Tuy nhiên, ngay cả nếu đối phương có thể chiếm được những khu vực trung tâm này thì họ cần chuẩn bị tinh thần đối mặt với những cuộc tấn công du kích hoặc những trận giao tranh trong đô thị tương tự như những gì đã diễn ra trong trận Stalingrad, trong đó, các đơn vị lính Liên Xô và lính Đức đã giao tranh để giành từng con đường, từng căn nhà một” - Vị chuyên gia kết luận.
Chiến tranh với vũ khí hạt nhân
Theo học thuyết quân sự Nga, vũ khí hạt nhân sẽ là phương thức cuối cùng được sử dụng trong trường hợp sự tồn tại của nước Nga bị đe dọa.
(Nguồn ảnh: TASS)
“Một cuộc chiến tranh như vậy với Nga sẽ không kéo dài, chỉ một vài giờ đồng hồ. Hai phía sẽ hủy diệt lẫn nhau do Moscow có vũ khí hạt nhân và bất cứ đối thủ nào quyết định tấn công nước Nga cũng có thể sẽ có chúng.
Nhưng đó sẽ không thể là những quốc gia như Bangladesh hay Nicaragua” - cựu chuyên gia phân tích quân sự Dmitry Safonov của tờ Izvestia cho hay.
Các chuyên gia đồng tình rằng, một cuộc chiến tranh dưới hình thức “cổ điển” (triển khai binh lính và tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào một số mặt trận) khó có khả năng xảy ra trong bối cảnh hiện nay.
“Chiến tranh ngày nay sẽ đi theo viễn cảnh ‘hạt nhân’ hoặc tấn công kinh tế (biện pháp trừng phạt, giới hạn tài chính…) và các chiến dịch phá hoại ngầm (hậu thuẫn cho các tổ chức khủng bố và các lực lượng đối lập chính trị thân phương Tây tại Nga” - ông Safonov kết luận.
Phim tài liệu về Lữ đoàn Bắc Cực của Nga. Nguồn: BBC News