Quốc kỳ Ukraine trên ban công một tòa nhà chung cư bị hư hỏng nặng ở Irpin ngày 16/6. (Ảnh: CNN)
Bất chấp nhiều chia rẽ trong thời kỳ chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và đại dịch COVID-19, liên minh xuyên Đại Tây Dương đã xích lại gần nhau để đạt được thỏa thuận về hỗ trợ tài chính và viện trợ vũ khí cho Kiev, trong khi dừng sử dụng năng lượng Nga, trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin và những người thân cận.
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột sắp chạm đến mốc 6 tháng, giới chức trên khắp châu Âu đang lo rằng sự đồng thuận này có thể tan vỡ, khi châu lục bước vào mùa đông lạnh giá mà thực phẩm đắt đỏ hơn, thiếu năng lượng để sưởi ấm và nguy cơ suy thoái kinh tế thực sự.
Khi cuộc xung đột sắp chạm đến mốc 6 tháng, giới chức trên khắp châu Âu đang lo rằng sự đồng thuận này có thể tan vỡ, khi châu lục bước vào mùa đông lạnh giá mà thực phẩm đắt đỏ hơn, thiếu năng lượng để sưởi ấm và nguy cơ suy thoái kinh tế thực sự.
Thủ đô Berlin của Đức đã phải tắt đèn chiếu sáng để tiết kiệm điện, các cửa hàng Pháp được yêu cầu đóng cửa trong lúc bật máy lạnh, nếu không sẽ bị phạt.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể sẽ khó tiếp tục thu hút chú ý của các lãnh đạo châu Âu khi cuộc chiến kéo dài.
“Thách thức đối với Ukraine vẫn như ngày đầu: Giữ phương Tây bên phía mình khi tổn thất từ việc hỗ trợ Kiev đang tác động khắp châu Âu, không chỉ vì khí đốt của Nga mà cả cái giá của hỗ trợ kinh tế và nhân đạo”, Keir Giles, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chatham House, nhận định.
“Đó là lý do ông Zelensky muốn kết thúc cuộc chiến trước Giáng sinh, vì vấn đề quan trọng đối với họ là khó giữ phương Tây hỗ trợ lâu dài”, ông Giles nói với CNN.
Khủng hoảng nhiên liệu mùa đông là điều mà các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu phải nghĩ đến mỗi ngày, khi Nga chiếm đến khoảng 55% tổng lượng khí đốt mà châu Âu nhập trong năm 2021.
Các nước phương Tây cũng khát dầu Nga, khi gần một nửa dầu mỏ của Nga được bán cho châu lục này. Liên minh châu Âu (EU) mua khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Nga trong năm 2021.
Khủng hoảng nhiên liệu mùa đông là điều mà các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu phải nghĩ đến mỗi ngày, khi Nga chiếm đến khoảng 55% tổng lượng khí đốt mà châu Âu nhập trong năm 2021.
“Trong EU, sẽ rất khó khăn và chúng tôi phải cố gắng giữ lời hứa đoạn tuyệt với khí đốt và các tài nguyên khác từ Nga”, một nhà ngoại giao châu Âu nói về thỏa thuận giữa các nước thành viên EU về việc giảm sử dụng 15% khí đốt từ Nga.
Thỏa thuận này chỉ mang tính tự nguyện, vì thế một số quốc gia thành viên có thể không thực hiện.
Các quan chức cũng lo ngại rằng chiến lược của phương Tây về việc vũ trang cho Ukraine trong ngắn hạn sẽ trở thành vấn đề dài hạn, khi cuộc chiến không biết khi nào sẽ kết thúc.
Vũ khí Pháp đang được sử dụng trên chiến trường Ukraine, còn Đức phá vỡ quy tắc mấy thập kỷ để tăng chi tiêu quốc phòng và viện trợ khí tài cho Kiev, dù bị chỉ trích là làm quá chậm.
“Qua thời gian, chủng loại vũ khí mà chúng tôi gửi cho họ ngày càng phức tạp, cũng như quá trình huấn luyện để họ có thể sử dụng hiệu quả. Tin tốt là những vũ khí đó đang giúp Ukraine trụ vững. Tin xấu là cuộc chiến càng kéo dài thì càng thiếu nguồn cung”, một quan chức NATO nói với CNN.
Ngoài chuyện chi phí kinh tế và quân sự ảnh hưởng đến sự hào phóng của phương Tây, còn một vấn đề nghiêm trọng khác là thế giới bắt đầu mệt mỏi với chiến tranh, khi cuộc xung đột kéo dài.
Theo các chuyên gia, sẽ không có chuyện các nước dừng ủng hộ một cách đơn giản, nhưng sẽ có thay đổi về thước đo kết quả mà họ ủng hộ.
Một số quốc gia Tây Âu, nhất là Đức và Pháp, công khai nói rằng cần duy trì đối thoại giữa phương Tây và Mátxcơva. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần bày tỏ tin tưởng rằng, đến lúc nào đó Nga và Ukraine sẽ phải đối thoại.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang bị chỉ trích vì đưa ra những thông điệp lẫn lộn về khí đốt của Nga, và gần đây là việc ông bày tỏ hoài nghi rằng liệu châu Âu có nên dừng cấp visa du lịch cho người Nga.
“Liệu chúng ta còn có cùng quan điểm về cách kết thúc cuộc chiến? Liệu chỉ nên quay lại biên giới trước khi Nga mở chiến dịch quân sự hay trước năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea? Liệu chúng ta có làm việc với ông Putin nữa không sau khi xung đột chấm dứt hay ông ấy phải thôi chức. Đó là những câu hỏi dài hạn mà chúng ta cần nghĩ đến. Nhưng tốt hơn là chưa nên nêu ra bây giờ”, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết.
Vài tháng tới sẽ là thời gian khó nhất đối với các nước châu Âu kể từ khi xung đột nổ ra. Người dân sẽ cảm thấy tác động rõ rệt khi chi phí sinh hoạt tăng mạnh trên khắp châu lục. Một số người sẽ phải chọn giữa nấu ăn và sưởi ấm.
Ngoài ra còn là chuyện nhiều nước châu Âu đang phải hỗ trợ hàng ngàn người tị nạn Ukraine. Trong bối cảnh đó, giới quan sát cho rằng sẽ rất khó để các lãnh đạo chính trị giải thích cách chi tiền và hỗ trợ cho một nước nằm cách xa họ, nhất là khi một số người dân cảm thấy họ hào phóng như vậy là đủ rồi.
Theo CNN, nhiều quan chức phương Tây cho biết lo ngại của họ là, đến một thời điểm, các lãnh đạo chính trị có thể phải quyết định rằng cách tốt nhất mà họ có thể làm là dàn xếp một thỏa thuận hòa bình và không ủng hộ cái kết mà Ukraine muốn: Đẩy Nga quay về biên giới trước đây.
Theo CNN