Khi đến quán, du khách sẽ được thưởng thức ngay tại vỉa hè - Ảnh: NAM TRẦN
Nằm trên con phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cách hồ Gươm khoảng chừng 200m, quán bún thang truyền thống có tuổi đời 30 năm lúc nào cũng đông khách dù chỉ bán từ 5h chiều đến đêm muộn.
Bún thang của người Hà Nội nổi tiếng bởi sự cầu kỳ trong cách sử dụng hơn 20 nguyên liệu tạo nên tên gọi của loại bún này, một số người cho rằng chữ "thang" ở đây là chữ "thang" trong "thang thuốc", mỗi nguyên liệu trong bún thang được "bốc" một ít và sắp xếp lên bát giống như bốc thuốc bắc.
Nguyên liệu trong bún thang rất nhiều, một số nguyên liệu chính gồm: thịt gà, xương lợn, xương gà, củ cải, hành dăm, nấm hương… Để làm được bát bún thang ngon là cả một sự kỳ công và tâm huyết của người đầu bếp.
Nước dùng ngon có màu vàng óng, nước trong veo và thanh - Ảnh: NAM TRẦN
"Nước dùng chính là "linh hồn" của bún thang. Để nấu nước dùng mình phải chọn các nguyên liệu tươi từ xương lợn đến gà. Nhìn nước dùng vàng óng, trong, thanh thì đó là nồi nước dùng ngon", chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - chủ quán bún thang - chia sẻ.
Loại bún được sử dụng trong bún thang là bún rối, sợi mỏng. Bún được trần qua nước nóng, xếp vào bát tô. Tiếp đó, các nguyên liệu mỗi thứ một ít được điểm xuyết vào đến khi đầy bát, nước dùng được chan ngập mặt các nguyên liệu.
Các nguyên liệu để nấu bún phải tươi mới cho ra một bát bún thang ngon - Ảnh: NAM TRẦN
Bát bún thang hoàn chỉnh sẽ có màu vàng của trứng, màu trắng của thịt gà ngon, màu xanh của rau thơm, màu đỏ của ớt…
Khi ăn, thực khách ăn kèm với chút mắm tôm sẽ thấy hết vị ngon của thức quà mùa đông này.
Đã ra Hà Nội công tác nhiều lần, đây là lần đầu tiên anh Xuân Vinh (TP.HCM) được trải nghiệm ngồi vỉa hè, thưởng thức bún thang. "Mình đã từng ăn bún thang trong TP.HCM, nhưng khi ăn ở đây thì hoàn toàn khác.
Trong bát bún, mình thích nhất là nước dùng, nó có vị thanh, ngọt hơn. Điều thứ hai khiến mình ấn tượng đó là không gian quán, lúc mới tới thấy một quán nhỏ như vậy mà mời một cô gái đi ăn thì hơi kỳ nhưng khi thưởng thức rồi thì tôi thấy vị ở đây đáng để thử", anh Xuân Vinh chia sẻ.
Bát bún thang đầy màu sắc, ngon miệng chờ đợi thực khách thưởng thức - Ảnh: NAM TRẦN
Bún thang Hà Nội được nấu tươi trong ngày. Để chuẩn bị đủ nguyên liệu cho một buổi bán, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - chủ quán bún - phải dậy sớm chọn mua nguyên liệu, sơ chế, ninh nấu. Hàng bún sẽ được dọn ra từ 4h chiều và bán đến 22h30, ngày cuối tuần sẽ bán đến khuya.
Bận rộn sắp xếp chỗ ngồi cho khách, chị Ngọc chia sẻ: "Quán nhà mình đã mở lâu rồi, từ thời mẹ chồng mình đến giờ là đời thứ hai bà truyền lại.
Trước đây, mình cũng đi làm văn phòng nhưng khi bà lớn tuổi, hai vợ chồng đã quyết định về tiếp quản quán bún của bà. Được bà truyền nghề là điều may mắn cho mình, bởi đây sẽ là nét đẹp truyền thống gia đình mà mình có thể truyền lại cho con cháu".
Nằm giữa lòng phố cổ, lại sở hữu công thức nấu bún thang gia truyền, mỗi ngày quán bún này bán được khoảng 400 bát, riêng những ngày cuối tuần số lượng này có thể lên đến 500 bát.
Bát bún thang đầy màu sắc, ngon miệng chờ đợi thực khách thưởng thức - Ảnh: NAM TRẦN
Bát bún thang đầy màu sắc, ngon miệng chờ đợi thực khách thưởng thức - Ảnh: NAM TRẦN
Các nguyên liệu để làm bún thang được chế biến từ trước, khi khách đến người nấu sẽ sắp xếp các bún, thịt gà, củ cải muối, giò lụa, trừng thái sợi vào bát và chan nước dùng. Nồi nước dùng lúc nào cũng phải đảm bảo luôn nóng hổi - Ảnh: NAM TRẦN
Bún thang có thể ăn kèm với quẩy, trứng gà non, nội tạng gà - Ảnh: NAM TRẦN
Nổi tiếng là tinh hoa ẩm thực Hà thành, bún thang Hà Nội được nhiều du khách lựa chọn thưởng thức khi ghé thăm thủ đô - Ảnh: NAM TRẦN