Mưa đá, mưa lớn đêm Giao thừa, sáng mùng 1 Tết tại Hà Nội và Bắc Bộ có gì bất thường?

Hoàng Đan |

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng mưa rào, mưa đá xuất hiện trong ngày 24/1 và sáng 25/1 tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, do ảnh hưởng không khí lạnh.

Trong ngày 24/1 và sáng 25/1 (tức ngày 30 Tết Kỷ Hợi và mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), tại nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội đã xuất hiện mưa vừa, mưa rào, thậm chí mưa đá.

Theo ghi nhận lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động vào ngày 24/1 (tức 30 Tết), mưa lớn được ghi nhận xảy ra tại Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Kim Anh (Hà Nội) có lượng mưa lớn nhất với 79,8 mm.

Tại Bố Hạ (Bắc Giang) cũng ghi nhận có lượng mưa 77 mm, Vạn Ninh (Lạng Sơn) có mưa 62,6 mm.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, do ngày 24 - 25/1, tại các tỉnh phía Bắc đón gió mùa Đông Bắc nên xảy ra sự tranh chấp mạnh mẽ giữa khối không khí nóng và không khí lạnh, dẫn đến nhiễu loạn không khí gây ra mưa dông.

Trong đó, ngày 30 Tết, một số nơi như Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên... có xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan là mưa đá.

Còn ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cho biết, nguyên nhân chính của hiện tượng mưa vừa, mưa rào, mưa đá xuất hiện trong ngày 30 Tết và sáng mùng 1 Tết là do ảnh hưởng của không khí lạnh.

Ông giải thích, trước mỗi đợt không khí lạnh thường gây ra mưa, mưa rào, còn ở khu vực nào có mây đối lưu mạnh thì có mưa to thậm chí xảy ra mưa đá.

Cụ thể, khi không khí lạnh hoạt động mạnh lại gặp không khí vừa ẩm, vừa ấm ở các tỉnh miền Bắc trong những ngày vừa qua đã gây ra đối lưu mạnh nên xảy ra mưa đá, mưa rào.

Bất kỳ ở thời điểm nào, khi có không khí lạnh về, có đối lưu cũng có khả năng gây ra mưa đá. Trong quá khứ từng ghi nhận ngay cả thời điểm mùa đông cũng đã xảy ra hiện tượng mưa đá.

Trưởng phòng Dự báo thời tiết cũng cho rằng, Tết Nguyên đán theo âm lịch, thay đổi liên tục, không cố định và gặp đúng dịp có không khí lạnh tác động và có mưa đá nên không có đánh giá về mức độ bất thường.

"Mưa rào trong đêm Giao thừa và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay đã được dự báo, cảnh báo trước", ông Năng nêu.

Lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV cũng cho hay, mưa rào theo từng đợt tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc sẽ kéo dài đến hết ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý, sang đến ngày mùng 2 - mùng 3 Tết Nguyên đán chỉ có mưa phùn, mưa nhỏ về đêm và sáng sớm, trời rét.

Trước đó, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho hay, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với ảnh hưởng của hội tụ gió trên mực từ 3.000 đến 5.000m, nên đêm 30 và ngày mùng 1 Tết ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Trong ngày mùng 1 Tết mưa có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời trở rét, riêng các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ ngày mai trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại. Vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá.

Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4. Từ gần sáng và ngày mai, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.

Khu vực Hà Nội: Có mưa, riêng đêm 30 và sáng mùng 1 có lúc mưa vừa, mưa to và dông, trời rét đậm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại