Từ 29/7, bão Doksuri quét qua miền bắc Trung Quốc sau khi đổ bộ tỉnh Phúc Kiến, bắt đầu gây mưa cho Bắc Kinh và các khu vực lân cận. Lượng mưa trút xuống Bắc Kinh trong 40 giờ gần bằng lượng mưa trung bình của cả tháng 7.
Được biết, lượng mưa trút xuống Bắc Kinh từ 20h ngày 29/7 đến 7h ngày 2/8 là mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi thành phố bắt đầu thống kê dữ liệu 140 năm trước.
"Lượng mưa lớn nhất trong cơn bão này là 744,8 mm, xảy ra tại hồ chứa Vương Gia Viên ở quận Xương Bình", Cơ quan Khí tượng Bắc Kinh ngày 2/8 cho biết trên kênh tài khoản WeChat, nhấn mạnh "đây là mức cao nhất trong 140 năm".
Mưa lũ ở Bắc Kinh đã khiến ít nhất 11 người chết, trong đó hai người là nhân viên thiệt mạng khi làm nhiệm vụ cứu hộ và cứu trợ. 13 người vẫn mất tích.
Sáng ngày 31/7, phóng viên báo Tân Kinh tại Bảo tàng Cố cung thấy rằng hệ thống thoát nước cổ xưa của Tử Cấm Thành vẫn hoạt động trơn tru và hiệu quả.
Một cảnh tượng hiếm thấy xuất hiện ở Cố cung: "Cửu long phun nước". Những chiếc đầu rồng bằng đá nhô ra xuất hiện rất nhiều ở các cung điện thật ra chính là đường ống dẫn nước thuộc hệ thống thoát nước dày đặc của Cố cung.
Do lượng mưa tại Bắc Kinh hiện đang ở mức kỷ lục, lúc này hệ thống thoát nước của Cố cung đang "hoạt động hết công suất" nên mới xuất hiện cảnh tượng này.
Thật ra, trong các tài liệu lịch sử, toàn bộ khu vực Cố cung đã từng xuất hiện tình trạng mưa thấm gian phòng, tường sụp đổ, và một số ghi chép như sân tích nước. Chẳng hạn như tháng Tư âm lịch năm Quang Tự thứ 11 (năm 1885), từ Đông Hoa môn đến Tây Hoa môn xuất hiện tình trạng ngập nước không rút nổi sau một trận mưa lớn.
Nhưng giải pháp lúc đó đều là nhanh chóng tìm được chỗ tắc nghẽn, tiến hành xử lý để khôi phục chức năng thoát nước của Cố cung. Có thể thấy, "Cố Cung 600 năm không ngập nước" chỉ là một cách nói, nhờ bảo trì kịp thời nên giảm bớt tình trạng ngập nước.
Theo Bảo tàng Cố cung giới thiệu, hệ thống thoát nước của Tử Cấm Thành có thể đối phó với lượng mưa khoảng 20mm/giờ. Tuy nhiên, từ 20h ngày 29/7 đến 18h ngày 31/7, lượng mưa trung bình trên toàn thành phố Bắc Kinh đạt 207,6mm. Hứng chịu lượng mưa này, Cố cung tích nước, ngập nước cũng là chuyện không khiến người ta bất ngờ.
Hệ thống thoát nước cổ xưa
Đương nhiên, khách quan mà nói, hệ thống thoát nước của Cố cung quả thật rất đáng nể.
Theo các chuyên gia, mỗi tầng nền móng của ba đại điện Cố cung (Thái Hòa điện, Trung Hòa điện và Bảo Hòa điện) đều có độ dốc 3%-5%, hơn nữa "cao ở giữa, thấp ra bốn phía", khiến nước mưa trên bề mặt được lưu chuyển ra ngoài rìa, tránh tình trạng tích nước trong khu vực điện đài. Nước chảy về một đường dẫn bao quanh mỗi cung điện, cuối cùng đổ ra những "đầu rồng", khiến "rồng phun nước". Được biết, Cố cung có tổng cộng 1.142 đầu rồng đá dùng để thoát nước.
Nước trên nền hầu như tập trung đổ vào sông hộ thành và lưu chuyển ra ngoài, một phần chảy xuống hệ thống thoát nước bên dưới Cố cung. Nhờ đó, Tử Cấm Thành ít bị mưa lũ "nhấn chìm" suốt 600 năm qua.
Nguyên nhân chính giúp Cố cung ít bị ngập nước hơn 600 năm
"Cửu long phun nước" được thiết kế tinh xảo, nhưng dù sao cũng chỉ là tượng điêu khắc mang tính thẩm mỹ. Nguyên nhân chính giúp Cố cung không bị ngập nước hàng trăm năm qua là do mưa ở Bắc Kinh vốn rất ít.
Bắc Kinh thuộc vùng khí hậu lục địa, chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa đông và mùa hè giống khí hậu gió mùa, lại bị ảnh hưởng bởi áp cao Xibia, lượng mưa hằng năm chỉ ở mức 644mm. Nước sinh hoạt của người dân bình thường đều đến từ hồ chứa nước ở ngoại thành huyện Mật Vân.
Do thường ít mưa nên hiện tượng "Cửu long phun nước" trong Cố cung cũng ít xảy ra. Nên điều này trở thành chuyện hiếm hoi và kỳ lạ đối với nhiều người.
Về phần hệ thống thoát nước có thể giúp Cố cung không bị ngập nước hay không? Những ai quen thuộc đều biết, chỉ cần mưa lớn kéo dài 1-2 tiếng đồng hồ, Cố cung sẽ ngập nước. Chỉ là vì Cố cung rất rộng lớn, các cung điện như Càn Thanh cung được xây dựng trên trục trung tâm Bắc Kinh có địa thế tương đối cao, cộng với hệ thống thoát nước cổ xưa, hơn nữa thời gian mưa lớn ở Bắc Kinh sẽ không quá dài, cho dù nước đọng cũng không gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Bởi vậy, cách nói "Cố cung không ngập nước" có thể là "vừa đúng vừa sai", nếu mưa lớn xảy ra tại Bắc Kinh như đợt bão Doksuri hiện tại thì cung điện này cũng bị tích nước, ngập nước giống khu vực khác trong thành phố.
Được biết, trong những năm gần đây, trong quá trình làm sạch hệ thống thoát nước Cố cung, đã phát hiện túi nhựa, chai nước khoáng, giấy và các vật dụng khác, thậm chí còn tìm thấy khăn tắm, quần áo. Những sản phẩm của các ngành công nghiệp hiện đại này làm giảm hiệu quả hệ thống thoát nước của Cố cung, có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự ngập nước.
Nguồn: Sohu, Chinatimes