Nghe đồng nghiệp quảng cáo một loại thức uống gọi là " chè dưỡng nhan " không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, mát gan mà còn bổ sung collagen, giúp trẻ hóa làn da và bồi bổ sức khỏe, chị Trần Minh Châu (ngụ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) định mua uống thử.
Thần thánh hóa công dụng
Loại chè này có màu sắc bắt mắt, hương vị dễ uống, vị ngọt thanh, khá ngon miệng nên chị Châu lên mạng tìm mua gói nguyên liệu về tự nấu cho tiết kiệm. Người bán hàng cho biết những thành phần trong "chè dưỡng nhan" như kỷ tử, táo đỏ, hạt sen, tổ yến... giúp bổ khí huyết, bổ gan thận, an thần, chữa mất ngủ.
Còn nhựa đào mà các cung tần mỹ nữ ngày xưa thường dùng có công dụng làm đẹp, tăng collagen, chống lão hóa, kiểm soát cân nặng... Sau hơn 1 tuần liên tục dùng "chè dưỡng nhan", chị Châu thấy bụng âm ỉ đau, rồi bị rối loạn tiêu hóa, phải cầu cứu bác sĩ.
Nguyên liệu làm "chè dưỡng nhan" Ảnh: Facebook
Trên một số trang mạng xã hội và trang bán hàng online, "chè dưỡng nhan" đang là từ khóa "hot", rao bán rất nhiều.
Chị Vân Anh, nhân viên một ngân hàng, cho hay giá thành 1 chai 300 ml chỉ 30.000-40.000 đồng, lại được giao đến tận nhà. Chị băn khoăn: "Tôi cũng không rõ thực hư công dụng tới đâu nhưng hầu hết nguyên liệu trong này tôi đều biết hoặc từng nghe nói".
Chị Thanh Xuân, chuyên bán hàng ở quận Cầu Giấy, cho biết "chè dưỡng nhan" có nguồn gốc từ Trung Quốc với "nhiều thành phần bổ dưỡng rất tốt cho chị em". Thời gian gần đây, loại đồ uống này được rất nhiều người sử dụng nhưng theo chị, do loại chè này có tính hàn nên mỗi tuần chỉ nên uống 2-3 lần.
Chị Thanh Ngọc - chủ một cửa hàng thuốc bắc ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội - xác nhận gần đây, một số khách hàng hỏi mua và chị cũng khá bất ngờ khi nghe họ liệt kê những công dụng thần thánh của nhựa đào.
Dù bán hàng lâu năm nhưng chị Ngọc chưa từng bán "vị thuốc" này. Trong khi đó, trên các trang bán hàng online hay các trang thương mại điện tử, khách hàng dễ dàng mua nguyên liệu nấu "chè dưỡng nhan" với giá từ vài chục ngàn đến gần 1,5 triệu đồng/gói, tùy theo số lượng, thành phần nguyên liệu.
Hầu hết nguyên liệu chè được đóng gói sơ sài, không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều gói nguyên liệu lớn có chữ Trung Quốc và không ghi công dụng bằng tiếng Việt.
Sản phẩm “chè dưỡng nhan” được quảng cáo và bán nhiều trên mạng - Ảnh: QUANG LIÊM
Nguy cơ gây độc
Theo Thầy thuốc Nhân dân - bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, trong đông y, các nguyên liệu như tuyết liên tử, táo đỏ, long nhãn, hạt sen, kỷ tử... được dùng khá phổ biến. Tuy nhiên, với nhựa đào, nếu được dùng trong các sản phẩm đồ uống thì phải xem xét lại.
Bác sĩ Hướng cho hay nhựa đào - hay keo đào - là chất độc, không được dùng trong các sản phẩm đồ ăn hay đồ uống. "Nhựa đào độc, không dùng để uống với tác dụng thanh lọc hay bồi bổ cơ thể. Nếu loại chè này thực sự có thành phần là nhựa cây đào thì có thể gây độc khi sử dụng" - bác sĩ Hướng khẳng định.
Chè được rao bán trên mạng theo chai làm sẵn Ảnh: Facebook
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội, cho biết nhựa đào không chứa collagen với công dụng làm đẹp hay giúp làn da mịn màng, hồng hào, giảm nếp nhăn, giảm cân... như quảng cáo trên mạng.
Nhựa đào khi ăn hoặc uống sẽ khó tiêu hóa, chưa kể lấy đâu ra số lượng lớn như thế để sử dụng. Ngoài ra, nếu dùng nhựa đào nhiều thì có thể tích tụ, ảnh hưởng tới sức khỏe.
"Làm nghề đông y hàng chục năm nay, tôi chưa từng kê nhựa đào để bồi bổ sức khỏe hay làm đẹp cho bệnh nhân. Trong cây đào, thứ duy nhất được khuyên để làm đẹp là hoa hoặc kết hợp hoa đào với nhân hạt bí đao để có làn da mịn màng hơn" - lương y Vũ Quốc Trung giải thích.
Ông Trung khuyến cáo với các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cũng như làm đẹp, người tiêu dùng không nên sử dụng những loại không rõ nguồn gốc, công dụng và chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.
Các vị thuốc được kết hợp trong sản phẩm "chè dưỡng nhan" cũng không nên sử dụng quá nhiều hoặc dùng tùy tiện nếu không có chỉ định của thầy thuốc, nhất là trẻ nhỏ, người già, người có hệ tiêu hóa kém, người bị rối loạn tiêu hóa, người mắc bệnh thận, phụ nữ mang thai...
Ai bệnh thận nên tránh xa!
Trả lời trên trang tin etnet.com, chuyên gia dinh dưỡng Lý Hạnh Dung thuộc Hiệp hội Chuyên gia dinh dưỡng Hồng Kông cho biết đối với một số người có khả năng tiêu hóa yếu như người già, trẻ nhỏ hoặc người mắc bệnh dạ dày, nhựa đào sẽ gây khó chịu cho dạ dày. Nếu họ nạp quá nhiều chất xơ sẽ khiến dạ dày khó tiêu hóa.
Trong khi đó, những người mắc bệnh thận nên chú ý vì ăn uống giàu protein sẽ là gánh nặng cho thận.
Theo bác sĩ đông y Hứa Tố Nghi, nhựa đào cũng không phù hợp với những người bị suy nhược, cảm lạnh hay mang thai. Còn theo trang Sohu, trong trường hợp cây đào bị chảy nhựa, làm cho cây bị suy yếu, khô héo thì nhựa không phù hợp với cơ thể con người.
Trên Báo Chiết Giang, bác sĩ Hồ Huệ Lương, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc ở TP Thiệu Hưng, cho rằng dược tính của nhựa đào không rõ ràng, chưa được kiểm chứng lâm sàng. Phóng viên trang tin tức Dương Châu cho biết trước nhu cầu tăng cao, nhiều người rạch cây tạo nhựa đào và bán với giá rẻ hơn nhựa đào mọc dại. Bác sĩ Hồ Huệ Lương lưu ý ăn nhựa đào không rõ nguồn gốc có thể gây dị ứng.
Về tuyết yến, trang tin tức Dương Châu dẫn lời bác sĩ đông y Lưu Tây thuộc Bệnh viện Đại học Dương Châu cho biết ông không tìm thấy nó trong các từ điển y học Trung Quốc. Theo bác sĩ Lưu, khi dùng nhiều có thể làm máu đặc hơn, lưu lượng máu kém.
H.Bình