Nơi đây đang trưng bày một kỷ vật đặc biệt, đó là mũ bay của anh hùng, liệt sĩ phi công Hà Văn Chúc đã sử dụng trong cuộc không chiến giữa 1 máy MiG-21 của không quân ta và đội hình 36 máy bay chiến đấu của không quân Mỹ, ngày 3/1/1968.
Phi công Hà Văn Chúc sinh năm 1938, dân tộc Kinh, quê tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc). Nhập ngũ tháng 11/1959, trưởng thành từ một chiến sĩ cao xạ, vì có sức khỏe tốt nên được chọn đào tạo phi công năm 1960.
Sau khi tốt nghiệp loại ưu tại Học viện Hàng không Liên Xô, năm 1964, Hà Văn Chúc về nước, là phi công thuộc Đại đội 1, Trung đoàn 921, Sư đoàn không quân 371. Trong quá trình chiến đấu, đồng chí luôn say mê học tập, nắm vững khoa học kỹ thuật, ngoan cường, dũng cảm, mưu trí vượt qua nhiều khó khăn nguy hiểm, nhiều tình huống phức tạp.
Năm 1968, không quân Mỹ tiếp tục thực hiện âm mưu "quét sạch bầu trời Bắc Việt" với thủ đoạn tác chiến có tính chất phục kích, đánh chặn trên không với máy bay tiêm kích của ta. Đồng thời, chúng tổ chức đánh sân bay nhiều hơn, tăng cường ra-đa cảnh giới dẫn đường, gây nhiễu bằng vô tuyến điện.
Thủ đoạn của địch liên tục thay đổi, nổi bật là thường vào trước, nấp trên mây, khi phát hiện máy bay của ta thì kéo lên cao dành ưu thế tốc độ và độ cao trước, chờ các biên đội vừa bay lên chưa kịp ổn định là công kích gây tổn thất cho ta.
Đứng trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo Trung đoàn 921 khắc phục mọi khó khăn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ rõ: Lực lượng không quân tiêm kích tập trung cùng các đơn vị bạn tích cực chiến đấu, tiêu diệt máy bay địch bảo vệ các mục tiêu chủ yếu của Hà Nội, các sân bay chính (Nội Bài, Kép, Hòa Lạc) và cảng Hải Phòng, đồng thời cơ động đánh địch trên chiến trường Khu 4, buộc địch phải phân tán đối phó, tích cực tổ chức đánh B-52 nếu chúng liều lĩnh leo thang sâu hơn ra miền Bắc.
Nắm chắc tư tưởng chỉ đạo, Trung đoàn 921 hạ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục đánh địch trong mọi tình huống. Dù máy bay còn ít, thậm chí chỉ còn một chiếc vẫn đánh. Tất cả các phi công đều xung phong trực, quyết tâm bắn rơi máy bay địch trong những lần xuất kích.
Ngày 3/1/1968, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Trung đoàn 921 và 923 tổ chức đánh trả. Sau trận này, do 1 chiếc bị lao ra ngoài đường băng khi hạ cánh, Trung đoàn không quân 921 chỉ còn duy nhất một chiếc máy bay MiG-21 làm nhiệm vụ trực chiến còn bay được.
15 giờ ngày 3/1/1968, địch bố trí đội hình 36 máy bay cường kích đánh phá Hà Nội, dù chỉ còn một chiếc nhưng Bộ Tư lệnh vẫn cho phép Trung đoàn 921 được cất cánh. Đại đội phó phi công Hà Văn Chúc xung phong nhận nhiệm vụ xuất kích.
Sơ đồ trận đánh của phi công Hà Văn Chúc chống lại đội hình 36 máy bay của Mỹ trưng bày tại Bảo tàng Phòng không – Không quân - Ảnh Bảo tàng PKKQ.
15 giờ 16 phút, phi công Hà Văn Chúc được lệnh cất cánh. Bay đến vùng trời Yên Châu, Sơn La ở độ cao 5.500 mét, Hà Văn Chúc phát hiện ba tốp máy bay địch, có hai tốp F-105 bay trước, tốp F-4 bay sau. Chưa kịp vào công kích, Hà Văn Chúc nhìn thấy tốp bốn chiếc F-4 lướt qua đầu.
Anh vòng lại bám phía sau, đưa máy bay lên độ cao 10.000 mét. Phát hiện bên phải có hai tốp F-105, anh xuống độ cao 5.000 mét. Nhưng chưa kịp bắn thì tốp F-105 của địch đã vòng lại đón đầu. Anh lại phải vọt lên độ cao 9.000 mét.
Nhìn bên trái thấy một tốp bốn chiếc F-105, Hà Văn Chúc lại bổ nhào xuống. Do động tác quá mạnh, không bám được mục tiêu anh lại phải kéo độ cao lên 9.000 mét.
Ba lần lao xuống đánh địch nhưng chưa bắn rơi được máy bay địch, đồng chí không nản lòng. Lần thứ tư mặc dù đồng hồ trên máy bay chỉ lượng dầu còn 700 lít.
Nhìn về phía Tam Đảo, phát hiện 8 chiếc F-105, Hà Văn Chúc báo cáo Sở chỉ huy, xin tiếp tục công kích. Xuống độ cao 3.500 mét, bằng một quả tên lửa, anh ngắm thẳng chiếc máy bay bay giữa và chiếc F-105 bốc cháy.
Chiếc máy bay bị bắn rơi do Đại tá James Ellis Bean điều khiển, thuộc Phi đoàn 469, Không đoàn 388 Korat của Mỹ đóng quân tại Thái Lan. J.E. Bean là Phó Không đoàn trưởng phụ trách tác chiến của Không đoàn 388.
Đội hình F-105 tan rã, Hà Văn Chúc bật tăng lực toàn phần kéo lên độ cao 10.000m nhanh chóng thoát ly về hạ cánh an toàn. Ngay sau đó, bộ đội tên lửa bắn rơi thêm 2 chiếc F-105, ý đồ đánh phá các mục tiêu ở Hà Nội của tốp 36 máy bay Mỹ bị thất bại.
Mũ bay của anh hùng, liệt sĩ phi công Hà Văn Chúc được Bảo tàng Phòng không – Không quân lưu giữ và phát huy giá trị - Ảnh Bảo tàng PKKQ.
Trong trại giam, tên Đại tá J.E. Bean vẫn còn hoảng sợ và ngạc nhiên không hiểu vì sao hắn bị bắn rơi và tỏ ra rất khâm phục phi công ta: "Do máy bay MiG thay đổi chiến thuật, nhiều cuộc oanh kích vào Hà Nội của chúng tôi bị bỏ dở. Các liên đội không quân Mỹ đều bị thiệt hại. Ngày 17/12/1967, một cuộc họp tìm cách chống máy bay MiG diễn ra.
Ngày 3/1/1968, chúng tôi được lệnh đánh phía Bắc Hà Nội. Cứ 4 chiếc máy bay ném bom thì có 12 chiếc yểm hộ. F-4D chuyên bay ở độ cao khác nhau để chống MiG-21 và MiG-17. Mới tới Tuyên Quang tôi đã thấy tiếng kêu hỗn loạn trong ra-đi-ô ‘có MiG’và tôi bị bắn rơi".
Lời khai của viên phi công Mỹ đã thể hiện sự lúng túng, bị động của không quân Mỹ.
Phi công Hà Văn Chúc đã phát huy tính năng ưu việt của máy bay MiG-21, thọc sâu từ cuối lên đầu đội hình của địch dài trên 100km khiến đội hình máy bay của địch bị rối loạn.
Chiến công của đồng chí Hà Văn Chúc thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, ý chí kiên cường, dũng cảm của Không quân nhân dân Việt Nam.
Bằng chiến công một mình đối đầu và làm rối loạn đội hình máy bay tới 36 chiếc của địch, Hà Văn Chúc đã ứng dụng có hiệu quả chiến thuật đánh nhanh, thọc sâu bằng một lực lượng nhỏ vào đội hình lớn của địch, góp phần phát triển lên một bước mới chiến thuật của không quân tiêm kích Việt Nam.
MiG-21 xuất kích - Ảnh Tư liệu.
Ngày 14/1/1968, Hà Văn Chúc cùng biên đội chiến đấu bắn rơi một chiếc F-105 tại Sơn Dương, Hà Tuyên (nay là Tuyên Quang). Sau đó đồng chí tiếp tục chiến đấu trên bầu trời Hà Nội, làm mục tiêu thu hút lực lượng địch, máy bay của đồng chí Hà Văn Chúc bị trúng đạn buộc đồng chí phải nhảy dù và bị thương.
Do vết thương quá nặng, ngày 19/1/1968, đồng chí Hà Văn Chúc mất tại Quân y viện 108 khi mới tròn 30 tuổi. Phần mộ đồng chí được an táng tại nghĩa trang Văn Điển thành phố Hà Nội. Sau đó đã chuyển về an táng tại nghĩa trang Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội.
Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, đồng chí Hà Văn Chúc đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Quân công hạng Ba; 01 Huy hiệu Bác Hồ. Ngày 30/8/1995, liệt sĩ phi công Hà Văn Chúc đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng, liệt sĩ phi công Hà Văn Chúc đã ra đi 50 mùa xuân, nhưng tên tuổi và chiến công của anh mãi là tấm gương tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chiếc mũ bay mang số đăng ký BTKQ: 739-N-50 là kỷ vật đặc biệt của anh hùng, liệt sĩ phi công Hà Văn Chúc đang được Bảo tàng Phòng không - Không quân lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử.
Cùng với hàng vạn hiện vật tiêu biểu khác được lưu giữ tại Bảo tàng Phòng không – Không quân, chiếc mũ bay là minh chứng cho chiến công của bộ đội Không quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời, giáo dục cho các thế hệ biết giữ gìn và tiếp tục tô thắm thêm truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.