Đổ vấy cho học trò
Sau trận thua Man City ngay tại Old Trafford hồi cuối tuần qua, Mourinho không tiếc lời chê bai các cầu thủ của mình, nhất là tân binh Mkhitaryan và Jesse Lingard, mà chẳng hề đả động đến sai lầm của mình trong cách nhập cuộc trận đấu khi đối mặt với đối thủ truyền kiếp Pep Guardiola.
Ngay sau trận thua đêm qua tại Hà Lan trước Feyenoord, HLV người Bồ Đào Nha lại một lần nữa chê trách các học trò thiếu khát vọng chiến thắng ở đấu trường hạng 2 châu Âu - Europa League. Có thực thế?
Giới chuyên môn cười khẩy vào những lời ngụy biện đổ vấy trách nhiệm cho cầu thủ của Mourinho. Với đội hình quá nửa là các cầu thủ không thuộc đội hình chính, chẳng có lý do gì để các cầu thủ Man United đêm qua "lơi chân" trước đối thủ được đánh giá yếu hơn. Nhưng họ lực bất tòng tâm, xuất phát từ chính sai lầm của HLV này.
Thay vì nhận trách nhiệm về mình, việc Mourinho làm đầu tiên sau thất bại là quay lưng lại với các học trò.
Tương tự là những Mkhitaryan, Jesse Lingard, Pogba, thậm chí là Rooney ở trận đấu cuối tuần trước. Chẳng có lý do gì mà Mkhitaryan - cầu thủ xuất sắc nhất Bundesliga mùa bóng trước, với 23 bàn thắng và 26 pha kiến tạo lại tụt dốc nhanh đến như thế. Tất cả là tại Mourinho.
Thế trận quen thuộc của Mourinho dành để đối đầu với Man City đã bị Pep Guardiola cao tay hơn phá tan tành không thương tiếc trong hiệp thi đấu đầu tiên với lối đá pressing triệt để, quây kín mỗi khi hàng tiền vệ Man United có bóng. Với tỷ lệ giữ bóng của đối phương lên đến gần 70%, họa có thánh mới "diễn" được, chứ đừng nói Mkhitaryan hay Pogba.
Mourinho đang sợ hãi
Cần phải nhắc lại rằng nếu Mourinho cho các học trò nhập cuộc trước Man City từ đầu theo cách mà họ làm ở hiệp 2, hẳn như Man United đã không có một hiệp thi đấu đầu tiên yếm thế và tội nghiệp đến vậy. Mourinho đã chọn cách an toàn khi đối đầu với Pep, nhưng lại gặp phải đối thủ cao tay và linh động hơn nhiều. An toàn lúc đấy là tự sát.
Hẳn bản thân Mourinho cũng không khỏi kinh ngạc trước động thái này từ Pep, bởi họ chẳng lạ gì nhau. Bình thường, Pep sẽ trung thành với lối chơi của mình, phần còn lại tùy thuộc vào cầu thủ thực hiện lối chơi đấy trên sân, còn Mourinho là người linh động "đánh chặn" nhằm hóa giải lối chơi tưởng chừng đơn giản và dễ đoán của đối phương.
Đây là lần đầu tiên Pep thắng không phải bằng sự điều chỉnh chiến thuật ngay trong trận đấu khi phải đối đầu với Mourinho, như chiến thắng 3-1 ở trận El Classico hồi tháng 12/2011, khi đội bóng của Mourinho là những người ghi bàn trước. Pep đã đủ tự tin để "đánh phủ đầu" Mourinho ngay từ đầu trận.
Những pha vào bóng "đầy lửa" của các cầu thủ Feyenoord là đủ để khiến Man United của Mourinho tê liệt.
Còn Mourinho thì ngược lại, bị ám ảnh và sợ hãi bởi những thất bại trước Pep Guardiola suốt những năm qua.
Nếu trận derby Manchester khiến Mourinho sợ hãi, thì đêm qua trên đất Hà Lan, HLV người Bồ Đào Nha này thậm chí bị đông cứng đến mức chẳng có được sự điều chỉnh nào, dù nhỏ nhất. Việc tung Ibrahimovic, Depay và Ashley Young cùng vào sân ở phút 63 mang tính may rủi, hơn là dấu ấn chiến thuật.
Mà Feyenoord nào có "bài vở" gì cho cam. Thứ vũ khí duy nhất của họ là những pha vào bóng "ăn người" mỗi khi có cơ hội, khiến các cầu thủ Man United phải chùn chân. Các cầu thủ Quỷ đỏ lăn lộn vì đau đớn trên sân, khiến trận cầu bị xé vụn, còn Mourinho chỉ biết hò hét, mà chẳng thể tìm nổi lối ra cho các học trò của mình.
"Người đặc biệt" đã chẳng còn là chính mình
Thời còn cầm Chelsea, ở trận vòng knock-out gặp PSG ở Champions League 2013/14, khi đội nhà cần 1 bàn thắng nữa để có thể đi tiếp, Mourinho chấp nhận mạo hiểm chơi với sơ đồ 4-1-2-3 ở 15 phút cuối trận, và bàn thắng quyết định của Demba Ba ở phút 87 đã đưa Chelsea vào bán kết.
Sau trận thắng 2-0 trước PSG, đưa Chelsea vào bán kết Champions League 2013/14, Mourinho phát biểu: "Hôm qua chúng tôi tập với 3 đội hình chiến thuật khác nhau, một là đội hình xuất phát, hai là khi thiếu Frank Lampard, và cuối cùng là với cả Demba Ba, Torres lẫn Eto'o đá tiền đạo. Và tất cả các cầu thủ đều biết phải làm gì ở từng đội hình".
Với phát biểu này, Mourinho khiến cả thế giới nể phục với tài bố trí và điều chỉnh chiến thuật của mình.
Trong quá khứ, Mourinho được đánh giá là thiên tài về chiến thuật, khi từng vận dụng thành công 4-4-2 ở Porto, rồi từ 4-3-3 đến 4-4-2 ở Chelsea, trước khi chuyển sang 4-1-3-2 ở mùa bóng 2006/07. Ở Inter Milan, HLV này vận dụng đủ 4-3-3, lẫn 4-2-3-1, thậm chí 4-5-1. Với Mourinho, chiến thắng là đích đến tối thượng, còn chiến thuật là công cụ.
Đội hình của Man United mùa bóng này, tất cả các vị trí đều có những cầu thủ thượng hạng, nhưng sự gắn kết là hầu như chưa có. Sức ép về mặt truyền thông cũng khiến các cầu thủ được đưa về Old Trafford mùa này mang nặng tính hình ảnh và thương mại, hơn là theo yêu cầu về lối chơi, như cái cách Pep Guardiola mua sắm cho Man City.
Mourinho từng được xưng tụng là chiến thuật gia xuất sắc nhất thế giới sau trận đấu hạ gục PSG ở Champions League 2013/14.
Bên cạnh đó, sức ép phải đưa Quỷ đỏ thoát khỏi lối chơi "buồn ngủ" của Louis van Gaal mùa giải trước, lấy lại hình ảnh tấn công đẹp mắt lại vô tình tạo sức ép lớn lên Mourinho, vốn quá quen thuộc với hình ảnh chặt chẽ, thiên về phòng ngự trong những năm gần đây.
Bởi vậy, trong khi chưa thể tìm được lối thoát dung hòa, Mourinho chọn giải pháp an toàn là áp đặt lối chơi mà mình quen thuộc và thành thạo nhất lên đội hình Quỷ đỏ, và thất bại thảm hại khi phải "thử lửa".
Giờ đây, Mourinho sẽ càng rối khi phải chịu sức ép từ dư luận, từ giới chuyên môn, cũng như từ chính các cầu thủ, khi họ rậm rịch lên tiếng "đòi lại" vị trí sở trường của mình. Trong tương lai gần, sẽ rất khó cho "Người đặc biệt" giải quyết bài toán hóc búa này, và chỉ cần một trận đấu không được như ý nữa thôi, Man United sẽ lại rơi vào khủng hoảng, như Chelsea mùa trước.