Trên hành trình chiếc xe chở xác đi qua, bao nhiêu người đã nhìn thấy tận mắt hình ảnh đó? Đó là một hình ảnh thách thức mọi giá trị sống mà con người chúng ta đã vun đắp, xây dựng qua hàng trăm, hàng ngàn thế hệ.
Nhưng mà chiếc xe máy chở xác người ấy cứ thế mà đi qua bao nhiêu ánh mắt, như một ảo giác, như một điều không thật, như một đoạn phim.
Tác giả Phạm Trung Tuyến.
Người nhà của người đàn bà đã chết ấy, người đàn ông đã lái chiếc xe máy với cái xác bó chiếu trên yên xe suốt 60 km ấy, có thể anh ấy chẳng còn nghĩ được gì ngoài sự kết thúc của một quá trình đã rất nhiều khổ đau.
Người phụ nữ ấy đã chết vì lao phổi, một thứ bệnh của người nghèo, vì tuyệt vọng sau quá trình chạy chữa kéo dài và xin ra viện để về nhà chờ chết, rồi chết trên đường đi.
Người thân của chị có lẽ không bất ngờ về điều đó, anh đưa chị về, theo cái cách mà anh có thể làm, trong khả năng, giản đơn như đặt một dấu chấm trên dòng đời.
Nhưng một xác người đi qua dưới ánh mặt trời suốt cả một hành trình hơn 60 km, trong trạng thái đó, là một hình ảnh không thể bất nhẫn hơn.
Dấu chấm hết cho cuộc đời người đàn bà ấy, dấu chấm cho những tháng ngày kiệt quệ theo đuổi việc cứu chữa người thân của gia đình chị, lại là những dấu hỏi về ý nghĩa cuộc đời những con người đã vô tình nhìn thấy hình ảnh cuối cùng của chị.
Rốt cuộc thì cuộc sống của chúng ta, quá trình làm người của chúng ta có ý nghĩa gì khi thờ ơ nhìn thân xác đồng loại của mình trong trạng thái khốn cùng đi qua như thế?
Bao nhiêu con người đã nhìn thấy hình ảnh đó dưới ánh mặt trời trên suốt hành trình dài 60 cây số? Bao nhiêu cái chép miệng, bao nhiêu cái nhún vai, bao nhiêu ý nghĩ về sự đáng thương, về sự nghèo khó được thầm nhủ trong đầu? Theo thông tin từ bệnh viện thì người phụ nữ ấy đã chết sau khi ra viện, trên đường về nhà.
Bức ảnh chụp cái xác chị trên yên xe máy tại thành phố Sơn La. Như vậy, là người nhà chị đã bó chiếu và buộc xác chị lên xe máy ngay trên đường phố Sơn La, giữa ban ngày.
Bao nhiêu người đã chứng kiến quá trình đó và quay đi? Bao nhiêu tiền cho một chuyến xe để đưa cái xác ấy tử tế trở về nhà? Có thể gia đình người phụ nữ đó quá nghèo để nghĩ tới việc thuê một chiếc xe.
Nhưng bao nhiêu con người chứng kiến sự việc đó, họ đều nghèo tiền bạc, hay nghèo lòng trắc ẩn?
>>> Xem thêm những bài viết cùng tác giả Tại Đây
Một người đàn ông chở xác người đi qua dưới ánh mặt trời, lầm lũi suốt hành trình 60 cây số. Đó là một hình ảnh khốn cùng không phải của riêng thân phận người đàn bà đã chết, không phải sự khốn cùng của một gia đình nghèo.
Đó là sự khốn cùng của một xã hội nghèo nàn lòng trắc ẩn, nghèo nàn tính người, nghèo nàn sự sẻ chia.
Người đàn bà ấy chết rồi. Chị không còn cảm thấy đau khổ vì thân phận của mình nữa. Mọi nỗi đau chị đã để lại hết cho cõi nhân gian này, cho những người mà số phận bắt họ phải chứng kiến hình ảnh cái xác của chị được đưa đi như thế.
Người đàn bà ấy đã sống một cuộc sống quá khổ sở rồi, chị đã thoát khỏi cuộc sống ấy rồi, với chị, được đưa về quê bằng xe tang tử tế, hay nằm ngang yên xe máy thực có khác gì nhau?
Chỉ có chúng ta, những người vẫn đang sống nốt cuộc đời của mình là sẽ phải nghĩ suy về hạnh phúc và khổ đau của tháng ngày trước mắt.