Các quan chức Ukraine và phương Tây nói với tờ Wall Street Journal rằng, loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) do hai công ty Boeing (Mỹ) và Saab (Thụy Điển) sản xuất, đã bị vô hiệu hóa và không còn được Ukraine sử dụng mà đang chờ đại tu.
GLSDB là một loại bom dẫn đường có tầm bắn khoảng 150 km nhờ đôi cánh nhỏ có thể kéo ra từ thân của nó. Vào năm 2022, tài liệu tiếp thị về loại bom này cho biết, hệ thống định vị của nó "được hỗ trợ bởi GPS có khả năng chống nhiễu cao".
Theo bài báo trước đây của phóng viên Mia Jankowicz trên tờ Business Insider, Ukraine đã nhận được loại bom này vào đầu tháng 2/2024 sau nhiều tháng yêu cầu cung cấp đạn dược tầm xa với hy vọng bắn trúng các mục tiêu ở các khu vực như Crimea.
Vào tháng 4, tờ Defense One đưa tin, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm Bill LaPlante cho biết, phiên bản phóng từ mặt đất của vũ khí không đối đất đã trở nên dễ bị tấn công bởi tác chiến điện tử Nga. Theo Defense One, ông LaPlante có thể đang đề cập đến GLSDB.
"Khi bạn gửi thứ gì đó không hiệu quả cho những người đang trong cuộc chiến đấu sinh tử, họ sẽ thử nó ba lần và rồi ném nó sang một bên", ông LaPlante nói, và cho biết thêm rằng Ukraine dường như không còn quan tâm đến loại vũ khí này nữa.
Một tháng sau, ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với hãng tin Reuters rằng, hệ thống dẫn đường của bom GLSDB đã gặp phải tình trạng gây nhiễu từ phía Nga, khiến nhiều quả bom bắn trượt mục tiêu.
Business Insider đã liên hệ với Boeing, Saab và quân đội Ukraine để yêu cầu bình luận.
Theo Wall Street Journal, loại vũ khí này được dẫn đường bằng GPS, có nghĩa là Nga có thể gây nhiễu tín hiệu từ xa bằng khả năng tác chiến điện tử tinh vi của mình. Đây là một trong số các loại vũ khí dẫn đường chính xác cao của Mỹ mà Nga có thể vô hiệu hóa hoặc làm giảm hiệu quả trên chiến trường Ukraine.
Nga được cho là có khả năng thích ứng nhanh chóng để chống lại mối đe dọa từ các loại vũ khí tinh vi do Mỹ cung cấp. Các đơn vị tác chiến điện tử của Nga cũng đã làm giảm hiệu quả của Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) và Đạn tấn công trực tiếp đồng loạt (JDAM) phóng từ trên không.
Business Insider đưa tin vào tháng 5 rằng, Mỹ đang nghiên cứu cách giải quyết vấn đề này phòng trường hợp xảy ra chiến tranh với một cường quốc quân sự.
Ở Ukraine, đạn pháo kiểu cũ không dễ bị tấn công bởi tác chiến điện tử đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến với rất nhiều tiêu hao ở tiền tuyến này.
Theo Business Insider, các đồng minh phương Tây của Ukraine đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ đạn pháo cho nước này; trong khi Nga đã tăng cường sản xuất đạn pháo và cũng đang tìm nguồn cung ứng từ đồng minh Triều Tiên.
Sau khi Nga đạt được những bước tiến trên chiến trường vào đầu năm nay khi các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ ngăn cản viện trợ cho Ukraine, việc nối lại dòng viện trợ đã giúp Ukraine có thể chặn những bước tiến tiếp theo của lực lượng Nga, và khiến cuộc xung đột một lần nữa lại rơi vào bế tắc.