Từ năm 2010, một khoản tiền 20 triệu USD đã được gửi vào ngân hàng và lấy tiền lãi để trao giải thưởng tôn vinh các tác giả sở hữu các sáng chế, công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng có tác động tích cực tới kinh tế, xã hội, văn hóa…
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Tập đoàn Bảo Sơn vừa phát động Giải thưởng Bảo Sơn lần thứ 8 nhằm tôn vinh các tác giả/nhóm tác giả sở hữu các sáng chế, công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng có kết quả, đóng góp nổi bật và ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam.
Giải thưởng có tổng trị giá 250.000 USD (mỗi giải 50.000 USD, tương đương hơn 1 tỷ đồng) trao tặng cho các công trình khoa học hoặc sáng chế cải tiến kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả trong đời sống. Giải thưởng được tổ chức thường niên, bắt đầu được trao từ năm 2011.
Về nguồn quỹ trao giải, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Sơn - cho biết tập đoàn đã bỏ ra một số tiền khá lớn để gửi tiết kiệm từ năm 2010. Theo VnExpress, số tiền này ở mức 20 triệu USD. Khoản tiết kiệm này không rút ra để làm sản xuất kinh doanh, mà sẽ phát triển dần, lấy phần lãi để trao giải.
Vì sao ông không đầu tư để "tiền đẻ ra tiền" như tư duy thường thấy ở các doanh nhân? Ông Sơn lấy ví dụ từ Quỹ Nobel với khoản tiền đầu tiên gửi tiết kiệm ở mức vài triệu USD, lấy lãi trao giải thưởng. Sau hơn 100 năm, quỹ này đã phát triển lên tới vài trăm triệu USD từ vài triệu USD ban đầu.
"Bảo Sơn có học cách ấy không? Đúng là chúng tôi học cách ấy. Nếu lấy vốn của Tập đoàn Bảo Sơn thì chẳng mấy mà mất. Vì vậy, giải thưởng mỗi năm tăng thêm 10.000 USD/giải. Ví như năm nay giải thưởng trị giá 50.000 USD/giải. Nếu có giải cho cả 5 lĩnh vực, tổng giải thưởng sẽ là 250.000 USD. Năm sau, giá trị giải thưởng sẽ tăng lên 60.000 USD/giải", Chủ tịch HĐQT Bảo Sơn cho biết.
Theo tính toán của ông, dự tính đến năm 2087, giải thưởng sẽ có giá trị lên đến 1.000.000 USD mỗi giải.
"Lúc bấy giờ, tiền gốc gửi tiết kiệm cũng lên đến 100 triệu USD. Nếu mức lãi suất tiết kiệm là 5,2%/năm, thì riêng tiền lãi lúc ấy chúng tôi đã có 5,2 triệu USD, dùng 5 triệu USD để trao giải thì vẫn dư 200.000 USD đưa vào quỹ. Chúng tôi dự định khi đạt giá trị mỗi giải ở mức 1 triệu USD thì sẽ tạm dừng, nghiên cứu để phát triển thêm. Nếu quỹ tăng tới mức 200 triệu USD thì có thể mở rộng thêm lĩnh vực trao giải, hoặc tăng giải thưởng lên 2 triệu USD/giải", ông Sơn nói.
Giải thưởng Bảo Sơn được phát động từ năm 2010 và trao lần đầu vào năm 2011, cho công trình "Điều tra, đánh giá, thống kê, quy hoạch các khu bảo tồn vùng đất ngập nước có ý nghĩa quốc tế, quốc gia" của GS. TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Giải năm ấy được trao với trị giá 20.000 USD.
Năm 2012, Giải thưởng Bảo Sơn được trao cho 2 công trình. Một là công trình "Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh về tim mạch, cơ quan tạo máu và thị giác" do PGS. TS Đỗ Doãn Lợi và nhóm nghiên cứu trường ĐH Y Hà Nội.
Công trình thứ 2 được trao giải là "Chuỗi báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam các năm 2009, 2010, 2011, 2012" của TS. Nguyễn Đức Thành và nhóm nghiên cứu Trường ĐH Quốc gia.
Giải thưởng được trao năm này là 30.000 USD/giải, tương đương khoảng 650 triệu đồng lúc bấy giờ.
Năm 2013, chỉ một công trình được trao giải, là "Chuỗi công trình nghiên cứu virus Rota và sản xuất vắc xin Rota tại Việt Nam" của PGS.TS Lê Thị Luân và nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC).
Trong giai đoạn năm 2014 - 2015, đơn vị thường trực chấm giải được chuyển từ ĐH Quốc gia về UBND Thành phố Hà Nội, nhưng do cơ chế phức tạp nên không triển khai được. Giải thưởng sau đó được chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ông Sơn cho biết hiện ban tổ chức giải thưởng cũng đang nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong tương lai gần, để làm sao cho những người có tâm huyết, có trí tuệ mà thiếu vốn thì có thể nhận được hỗ trợ kịp thời để startup Việt Nam có thể lớn lên.