Ai ngồi phòng máy lạnh nhiều, nên biết:
Bệnh lý đường hô hấp : Dễ nhận thấy là người suốt ngày “quàn” trong phòng máy lạnh dễ mắc viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản… cấp hoặc mạn tính. Cảm giác khô họng, nghẹt mũi cũng không hiếm gặp. Chúng ta vừa trải qua mấy năm kinh hoàng của dịch COVID-19 và trước đó gần hai chục năm là dịch SARS- những căn bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, lây truyền qua đường hô hấp… Khi đó một trong những biện pháp chống đỡ của con người là cách ly với những căn phòng máy lạnh, đóng kín.
Theo bác sĩ Vũ Đỗ (BV Phổi TW), người làm việc trong phòng điều hòa có nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp gấp 2,5 lần so với người làm trong môi trường thông thoáng tự nhiên.
Hội chứng suy nhược thần kinh : Đôi khi chúng ta có cảm giác mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tức ngực, hiệu suất làm việc giảm sút mà không nhận ra chính là do ta đã nhốt mình quá lâu trong những căn phòng có mở điều hòa nhiệt độ. Nguy hiểm hơn, những triệu chứng dẫn tới tình trạng mất ngủ, không có cơn buồn ngủ… Đây là những yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành tim, thiểu năng tuần hoàn não…thậm chí có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tâm thần phân liệt, trầm cảm…
Bệnh lý cơ xương khớp : Tình trạng đau mỏi cơ bắp và các khớp xương, đau lưng, đau cổ gáy…rất có khả năng do các cơ của chúng bị co cứng lại do tiếp xúc với không khí lạnh liên tục, lượng máu đến nuôi dưỡng cơ khớp bị suy giảm do co thắt mạch máu.
Bệnh về da: Làn da bị “tra tấn” trong không gian của máy điều hòa nhiệt độ tất yếu dẫn đến tình trạng mất nước, khô ráp, giảm sức đề kháng, dễ bị dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt... Nhiều chị em dùng kem dưỡng da thường xuyên nhưng tình trạng này không cải thiện được bao nhiêu.
Hãy là công dân máy lạnh có hiểu biết
Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột: Tuyệt đối không được đi từ ngoài nắng hoặc mới hoạt động mạnh về mà bật máy lạnh ngay. Phải bật quạt, đợi cơ thể thích ứng từ từ với không khí mát rồi mới được bật máy lạnh. Hoặc cũng có thể bật máy lạnh ban đầu ở nhiệt độ cao, rồi từ từ hạ thấp xuống. Giữ nhiệt độ trong phòng sao cho không chênh lệch với bên ngoài quá 5 độ.
Một kinh nghiệm nhỏ là trước khi tắm, bạn nên tắt máy lạnh. Cơ thể vừa tắm xong mà tiếp xúc luôn với phòng bật máy lạnh sẽ dễ bị cảm hoặc gây ra những thương tổn thực thể về lâu dài.
Không được để luồng khí từ máy thổi trực tiếp vào cơ thể: Điều này nhằm tránh khả năng gây cảm lạnh từ các luồng khí từ máy lạnh.
Không ngồi trong phòng lạnh quá lâu mà không vận động, mà nên thường xuyên đi lại trong phòng. Bạn nên biết máy lạnh làm giảm sức đề kháng của cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh. Trong phòng lạnh khoảng 1 giờ thì nên ra bên ngoài để thay đổi không khí. Trước khi ra khỏi phòng, cần vận động cơ thể trong vài phút, khi cơ thể thích ứng mới ra hẳn bên ngoài. Những lúc giải lao nên tiến hành một số động tác thể dục, tự hít thở thật sâu trong tư thế toàn thân thư giãn.
Không nên đóng kín cửa phòng bật máy lạnh thường xuyên. Vì máy lạnh không có chức năng đưa thêm không khí từ bên ngoài vào hay đẩy không khí từ trong phòng ra, nên nếu trong phòng có đông người, hoặc đã lâu rồi nhưng chưa mở cửa ra thì nên tạo các điều kiện thích hợp, giúp thông khí cho căn phòng, tránh cảm giác bức bối và khó thở. Điều này cũng tương tự như khi ta ngồi trên ô tô đường dài, thi thoảng bác tài cần mở cửa sổ khoảng 30 giây để lấy không khí “tươi” vào.
Khi sử dụng máy lạnh, cần chú ý vấn đề thông gió, mỗi ngày nên mở cửa sổ trong một khoảng thời gian nhất định để không khí trong phòng được lưu thông. Trong khi chạy máy, thỉnh thoảng nên bật quạt thông gió và thường xuyên vệ sinh máy lạnh. Điều này vừa góp phần bảo trì máy, giúp máy chạy lâu hơn và bền hơn, vừa giúp tẩy sạch dàn máy, tránh vi khuẩn tích tụ, tạo thành ổ tác nhân gây bệnh.