Đó là bức thư của phụ huynh một bệnh nhi bốn tuổi. Ba của em bé này viết mail cảm ơn bác sĩ Chiến (anh không ghi rõ tên họ) của Phòng cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM.
Sự việc cực kỳ đơn giản: Em bé chơi đùa bị té gãy tay, được một bệnh viện ở Bình Dương chụp phim và bó bột, hẹn hai ngày sau tái khám. Tối về bé đau, khóc. Ba mẹ liền mang xuống Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ở TP HCM khám lại. Bác sĩ Chiến là người trực tiếp khám cho bé.
Người cha viết: "Tôi cực kỳ ấn tượng với bác sĩ Chiến. Trong lúc bác sĩ dặn dò, viết bệnh án ngoại trú, con tôi vẫn còn khóc, bác sĩ có dừng lại, nói đùa với cháu bé, hỏi cháu bé thích siêu nhân gì...
Tôi hết lòng cảm ơn bác sĩ Chiến rất nhiều. Mong là có thật nhiều những bác sĩ như vậy và xã hội sẽ mang lại những điều tốt nhất cho những người tốt như bác sĩ".
Lá thư khá ngắn, viết chân chất, đơn giản. Người cha kể rõ rằng sau khi bác sĩ Chiến khám và chụp phim lại thì xác định cháu bé không phải mổ mà chỉ cần bó bột (trùng với cách điều trị của bệnh viện khám đầu tiên).
Lá thư khá ngắn, viết chân chất của một người cha gửi đến BS.Chiến.
Nhưng điều mà người cha này xúc động mạnh không phải là việc con anh không phải mổ, mà lại nằm ở vài cử chỉ săn sóc nhỏ của người bác sĩ: Bác sĩ nói đùa với em bé, hỏi han em, để con đỡ sợ, bớt đau.
Tôi chắc bác sĩ Chiến không hề nhớ ra những hành động này trong một buổi sáng khám cho (thường là) rất đông người.
Tôi cũng chưa có hân hạnh được biết anh.
Nhưng tôi đoán chắc không chỉ mình bác sĩ Chiến mới có hành động đáng yêu để xoa dịu tinh thần một bệnh nhi đang đau và sợ hãi. Từ thực tế của mình, tôi biết rất nhiều đồng nghiệp của anh thường xuyên làm như thế.
Và vì thường xuyên nên chắc họ chẳng nhớ đâu, và lại càng chẳng thể ngờ điều đó gây nên sự cảm động nơi người cha đang xót ruột vì con như thế nào.
Sự cảm động đó, hôm nay, qua bức thư vụng về đã lan qua tôi.
Nó đã và sẽ còn lan truyền tới rất nhiều người khác.
Lòng biết ơn đôi khi bật lên trong những tình huống rất bất ngờ. Như hôm trước, tôi bần thần trước bức ảnh chụp một... túi rác, mà trong lòng như có nụ hoa đang nở.
Đó là một túi rác rất thông thường, đặt dưới chân trụ điện ven đường, do bạn tôi-facebooker Hà Phan tình cờ chụp được khi đi tập thể dục buổi sáng ở gần nhà anh ở Sài Gòn.
Nhưng đó lại là một túi rác đặc biệt, và nó làm lay động con tim không chỉ anh Hà Phan, không chỉ tôi mà còn nhiều nhiều người khác nữa.
Trên cái túi rác ấy là một tờ giấy ghi cẩn thận, bằng nét chữ con gái mềm mại và ngôn từ đặc Nam Bộ:
"Cô ơi
Trong túi có miểng chai
Cô cẩn thận!".
Túi rác đặc biệt của một cô bé để lại trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Facebook Ha Phan.
Người viết tờ giấy này, cũng như bác sĩ Chiến trong bức thư trên kia, chỉ để nhắn nhủ với riêng cô lao công cẩn thận không mảnh thủy tinh vỡ trong túi rác sẽ cứa đứt tay, hay để đỡ đau cho bé bệnh nhi bốn tuổi, nhưng vượt ra ngoài suy nghĩ của họ, hành động đẹp đẽ đã lan truyền khắp nơi như làn sóng mát rượi giữa cơn nắng nồng.
Cách đây vài hôm là tròn 25 năm ngày thế giới được kết nối với nhau mạnh mẽ và nhanh chóng hơn bất kỳ phương thức nào trước đó. Đó là ngày Internet ra đời, đánh dấu một kỷ nguyên mới được gọi là kỷ nguyên công nghệ và thông tin.
Cha đẻ của world wide web đã qua đời với nỗi tiếc nuối, là Internet đã kết nối mọi người theo cách mà ông không mong đợi. Lẽ ra nó chỉ nên được người ta dùng để chia sẻ kiến thức và cái đẹp.
Chắc các bạn cũng như tôi, đều có lần chìm ngập trong buồn nản đến muốn tắt quách cái thiết bị đang kết nối mình với thế giới đi.
Vì mở nó ra thì dù đang ở một mình nhưng bạn giống như kẻ tử tù bị biệt giam vậy: Bạn không nhìn thấy ai hết nhưng chung quanh bạn dậy lên tiếng kêu la, than khóc, oán trách, chửi rủa...
Trên báo chí, bất công và bạo lực ngập tràn: Cha đạp lên đầu con mới mấy tháng tuổi để trừng phạt vợ, rút dao chém đứt cổ con chó ngay giữa phố chỉ vì chó nhà mình gây sự với nó, nổ mìn khủng bố giết hại hàng trăm người chẳng làm gì nên tội..
Hôm ấy, cái hôm cả thế giới đang ăn mừng ngày bước ngoặt Internet Day ấy, tôi đã kêu lên một mình vì kinh hãi.
Sao người ta có thể ác đến thế? Chúng ta đang kết nối với nhau bằng nghiệt duyên nào vậy? Từ lúc nào, những cái nắm tay, cái nhìn hồn hậu dù quen hay lạ thì "mỗi gương mặt là một đóa hồng" đã biến thành những cú chém giết, bóp cổ, tạt acid, đốt nhà...?
Trong khi cả thế giới kỷ niệm cú đại nhảy vọt của trí tuệ con người giúp không gian thu nhỏ lại hơn bao giờ hết, thì những thứ là thức ăn của trái tim-sự tử tế, chân thành, lòng biết ơn, lòng tốt- dường như cũng đang thiếu vắng hơn bao giờ hết.
Cho nên, những thứ nhỏ nhoi quá đỗi bình thường, một bịch rác kèm theo lời nhắn nhủ ân cần, một lá thư cảm ơn vụng về... vẫn khiến lòng tôi rung lên. Nó cho tôi thấy vẫn đang có những kết nối đẹp đẽ trên thế giới này.
Một hành động biết ơn như viên đá chạm nhẹ mặt nước, nhưng những vòng sóng sẽ loang khắp mặt hồ.
Như những giọt thạch nhũ cứ rơi đều đều trong thinh lặng, rất nhiều khi ta không thể nghe tiếng, nhưng sau nhiều năm chúng tạo ra những lâu đài vĩ đại.
Và Kinh Thánh nói về điều đó: "Hãy cho, người ta sẽ cho anh em. Họ sẽ đong đầy, nén, lắc và thêm cho tràn rồi đổ vào ngực áo anh em".