Trứng là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Trong trứng có đầy đủ chất đạm, béo, can xi, sắt, kẽm,… nhưng ăn nhiều qua cũng không tốt. Vậy một tuần nên ăn mấy quả trứng để không bị 'quá liều'?
Thành phần dinh dưỡng của trứng
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Ths.Bs Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trứng là thức ăn giá trị dinh dưỡng cao, đủ các thành phần dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, can xi, sắt, kẽm, se len, vitamin B12, D, cholesterol,... hơn nữa, tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng rất phù hợp và cân đối.
Trong lòng trắng chứa ít chất dinh dưỡng hơn lòng đỏ. Cụ thể ước tính 100 gam lòng trắng sẽ chứa 10,3 gam protein, can xi 19 mg.
Chất đạm của trứng là nguồn cung cấp rất tốt các acid amin cần thiết có vai trò quan trọng cho cơ thể, đặc biệt cần cho sự phát triển cả về cân nặng và chiều cao của trẻ.
Một tuần nên ăn mấy quả trứng?
Trứng tuy tốt cho sức khoẻ nhưng nếu ăn quá nhiều trứng sẽ gia tăng mắc một số bệnh nguy hiểm. Dưới đây là liều lượng trứng dành cho từng nhóm người.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, để trả lời chính xác câu hỏi “một tuần nên ăn mấy quả trứng” thì cần dựa vào từng đối tượng khác nhau. Cụ thể:
Người trưởng thành
So với các nguồn cholesterol khác thì cholesterol trong trứng không mang lại những tác động tiêu cực cho cơ thể. Vì vậy, người trưởng thành có thể ăn 7 quả trứng mỗi tuần mà không cần lo ngại việc ảnh hưởng đến tim mạch.
Đồng thời, nếu bạn đang thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh cho tim thì có thể bổ sung tối đa 1 quả trứng mỗi ngày. Điều này góp phần làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch hoặc đột quỵ.
Người bệnh
Với người bệnh, ngoài việc điều trị thì chế độ ăn cũng là một phần quan trọng. Trong đó, mỗi tình trạng sẽ có chế độ khác nhau:
Người bị tiểu đường type 2: bệnh nhân chỉ nên ăn tối đa 1 quả trứng 1 ngày và 5 quả trứng 1 tuần.
Người bị tim mạch hoặc người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch: có thể ăn 7 quả trứng 1 tuần nếu đang thực hiện chế độ ăn ít bão hoà. Nếu thực hiện chế độ ăn bình thường thì chỉ nên tiêu thụ 3 - 4 quả trứng mỗi tuần và không ăn quá 4 lòng đỏ.
Người có chỉ số cholesterol LDL cao: tối đa 1 quả trứng mỗi ngày và 7 quả trứng mỗi tuần. Nhưng tốt nhất chỉ nên ăn tối đa 4 quả mỗi tuần.
Người mắc hội chứng chuyển hoá: nếu thực hiện chế độ ăn ít chất béo bão hoà thì chỉ nên ăn tối đa 6 quả trứng mỗi tuần.
Người cao tuổi
Thực chất, chế độ ăn uống ít ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong quả ở người trên 65 tuổi hơn là người dưới 30 tuổi. Vì thế, người cao tuổi hoàn toàn có thể ăn 1 quả trứng mỗi ngày thậm chí có thể hơn đối với người cao tuổi khỏe mạnh.
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng, người già ăn 5 - 6 quả trứng mỗi tuần thì nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch sẽ cao hơn 30%. Tuy nhiên, điều này không thể chứng minh nguy cơ mắc bệnh tim tăng là do trứng gây ra. Thực tế, nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên theo sự lão hoá của cơ thể. Do đó, để biết một tuần ăn bao nhiêu quả trứng thì phù hợp thì cần dựa vào sức khoẻ tổng thể.
Phụ nữ mang thai
Trứng là nguồn cung cấp các loại dưỡng chất tốt cho cơ thể, có thể đáp ứng nhu cầu của thai phụ và sự phát triển của thai nhi. Với thai phụ khỏe mạnh, có thể ăn 3- 4 quả trứng mỗi tuần. Còn với mẹ bầu mắc tiểu đường hoặc các vấn đề về thai kỳ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết một tuần nên ăn mấy quả trứng.
Trẻ em
Không dễ để trả lời câu hỏi trẻ em một tuần nên ăn mấy quả trứng vào từng độ tuổi sẽ có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và chất dinh dưỡng khác nhau. Cụ thể như sau:
- Trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi: chỉ nên ăn nửa lòng đỏ trứng gà, mỗi tuần ăn 2 - 3 bữa.
- Trẻ từ 8 - 12 tháng tuổi: chỉ nên hấp thụ 1 lòng đỏ trong một bữa, một tuần ăn không quá 4 lòng đỏ.
- Trẻ từ 1 - 2 tuổi: mỗi tuần có thể ăn 3 - 4 quả trứng.
- Trẻ trên 2 tuổi: có thể ăn tùy theo sở thích của trẻ nhưng chỉ nên ăn tối đa mỗi ngày một quả.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "một tuần nên ăn mấy quả trứng" rồi phải không. Có thể thấy rằng, trứng mang lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, tùy vào từng đối tượng mà lượng trứng hấp thụ là không giống nhau. Vì vậy, bạn hãy lưu ý để phân chia khẩu phần ăn cũng như chuẩn bị thực đơn hợp lý.