"Hà Nội, ngày 9 tháng 10 năm 2019
Kính gửi: Cục Hàng không Việt Nam
Nhiều người cao tuổi đang sống tại Trung tâm chúng tôi luôn ao ước được một lần trải nghiệm ngồi trên máy bay, trong khi hiện tại sức khoẻ không cho phép để di chuyển bằng máy bay thực sự.
Trong lúc đang tìm cách để hiện thực hoá ước mơ của các cụ, chúng tôi biết rằng hiện sân bay Nội Bài đang giữ 1 chiếc máy bay Boeing 727 của hãng hàng không Campuchia bị bỏ quên 12 năm.
Chính vì vậy, chúng tôi liều gửi công văn này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cho Trung tâm xin chiếc máy bay này, không chỉ phục vụ cho các cụ đang sống tại trung tâm mà những người cao tuổi khác có mong muốn tương tự".
Lá đơn trung tâm dưỡng lão gửi tới Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: Facebook.
Một trung tâm dưỡng lão ở Hà Nội đã mạo muội gửi bức thư với nội dung như trên tới Cục Hàng không Hà Nội. Họ muốn xin một chiếc máy bay bị bỏ quên, để hiện thực hoá giấc mơ của những cụ già, mà có thể đi gần hết cuộc đời chưa từng được trải nghiệm một chuyến bay thực sự.
Bà Hiền (71 tuổi) bảo, "Nhà ở Hà Nội, có đi đâu xa bao giờ đâu mà đòi đi máy bay. Nghe thì cũng thích đấy nhưng mà chả dám "hao mỡ - mơ hão" vì giờ yếu rồi mà cũng chẳng biết đi đâu nữa mà đi máy bay". Còn bà Liên (71 tuổi) kể, "Bà có cháu ở Nhật 6 năm rồi đấy. Nó từng rủ bà bay sang thăm nó nhưng mà bà nói thật, bà bị say ô tô lắm, bà chẳng dám đi máy bay đâu".
Một cụ ông khác thì thắc mắc: "Các con đã được đi máy bay bao giờ chưa? Cảm giác thế nào? Có sợ không?". Thế rồi, suốt cả buổi ngày hôm đó, các cụ cứ "tám chuyện" xôn xao về những chiếc máy bay trên bầu trời.
Một số phương án từng được các bạn trẻ của trung tâm dưỡng lão đưa ra: Làm mô hình bằng bìa carton hoặc thuê một chiếc ô tô rồi trang trí bên ngoài để trông thật giống máy bay? Kêu gọi các bạn tiếp viên cùng tham gia một buổi tình nguyện tại trung tâm? Đầu bếp sẽ chế biến một số món ăn như thực đơn trên máy bay...
Và rồi, một ý tưởng thật "táo bạo" đã xuất hiện sau thông tin một chiếc máy bay của Campuchia bị bỏ hoang 12 năm tại sân bay Nội Bài. Sống trên đời, biết đâu lại có một phép màu cho những chuyện tưởng như là "viển vông", phải không?
Nếu có một chiếc máy bay, trung tâm sẽ trang trí thật đẹp, thật nhiều màu sắc, rồi in những chiếc vé trông "như thật", vì các cụ cũng phải làm thủ tục lên máy bay nữa chứ.
Những chiếc phông màn in cảnh đẹp ở nhiều nước trên thế giới sẽ được đặt trong khuôn viên của trung tâm. Các cụ sẽ kéo vali xuống máy bay, chụp ảnh check-in và đem khoe các con, các cháu.
Chiều hôm đó, khi được kể về "thương vụ" tìm mua máy bay, các cụ cười sung sướng. Bà Liên tấm tắc: "Ôi, bà thích quá đi ấy. Muốn thử 1 lần cho biết "đời". Bà thích được các cô, các chú tiếp viên xinh đẹp phục vụ như mấy quảng cáo trên tivi ấy. Bà thích có bức ảnh chụp ở Nhật để con cháu bà bất ngờ".
Bà Hồng chia sẻ: "Ngày xưa bà cũng đi công tác nhiều nơi lắm, bà làm đối ngoại mà. Bà cũng đi khắp cả miền Nam rồi nhưng hồi ấy không có điều kiện nên toàn đi ô tô thôi. Bà không bị say xe bao giờ luôn. Thấy mọi người kể đi máy bay thích lắm nên bà cũng muốn được đi, chỉ là không có tiền. Nếu giờ mà được ngồi trên máy bay thì bà biết ơn trung tâm lắm".
Còn bà Bình thì hơi rụt rè. Bà thích đi máy bay, nhưng bà lại sợ bị say xe. "Nếu mà say thì bà không dám đâu".
Lá đơn đã được gửi tới thủ trưởng của Cục Hàng không, nhiệm vụ của các cụ là chờ đợi và tiếp tục những giấc mơ về bầu trời của riêng mình.
"Chúng mình cũng hơi lo lắng, vì khi gửi công văn chưa tính được hết những vấn đề gặp phải như, làm sao để di chuyển cả một cái máy bay to như thế từ Nội Bài về đến trung tâm, thêm cả vấn đề chi phí nữa. Vậy nhưng, chúng mình vẫn cứ hy vọng. Nếu mua được sẽ kêu gọi các mạnh thường quân cùng chia sẻ để mang được máy bay về cho các cụ" - đại diện trung tâm nói.
Nhắc tới viện dưỡng lão, chúng ta luôn mường tượng "một hình hài" tiêu cực về nhiều nghĩa. Người đời cho rằng, bố mẹ phải sống "tệ bạc" như nào, để đến khi cuối đời mới bị con cháu "tống cổ" vào những trung tâm dành cho người già, người neo đơn. Đấy là nơi buồn tẻ nhất thế gian, là 4 bức tường mà những con người "gần đất xa trời" cố bám víu cuộc sống, lặng nhìn năm tháng, tuổi trẻ và cả thanh xuân trôi dạt phía sau cánh cổng.
Nhưng với trung tâm "máy bay", các cụ rất thích vào đây, vì có bạn! Từ những con người ban đầu xa lạ, sau thành quen, rồi thương nhau lúc nào không hay. Người này đến rồi lại đi, người khác lại tới. Là một vòng luân chuyển nên không bao giờ thiếu đi những người bạn cùng những tiếng cười.
Hôm nay, các cụ cùng chụp bộ ảnh "hội chị em" U90 đi picnic, tay nâng chén rượu thật sành điệu. Ngày mai gió mùa về, cúc hoạ mi râm ran xuống phố, chị em ta xúng xính tạo dáng, thưởng hoa, rồi cùng bàn chuyện của mùa đông. Hôm sau nữa, nhận thấy xu thế những chiếc xe phân khối lớn đang "lên ngôi", còn chần chừ gì mà không rủ ngay bà bạn cùng chụp ảnh, để xem thiên hạ có trầm trồ?
Dẫu sao, với thế giới tách biệt ngoài kia, nhìn qua lăng kính của các cụ, còn thú vị hơn những chiều nắng tắt mòn mỏi qua khung cửa sổ. Ở viện dưỡng lão, có nhiều hơn một hình ảnh, âm thanh của cuộc sống.