Theo Đài truyền hình Yên Đài (Sơn Đông, Trung Quốc), vào ngày 6/5/2022, một tàu chất đầy 62.000 tấn xi măng Việt Nam đã hoàn tất việc dỡ hàng tại cảng Yên Đài, đánh dấu hoạt động nhập khẩu xi măng đơn lẻ lớn nhất tại địa phương.
Còn theo khảo sát của Shanghai Lingjian Network Co., Ltd (Trung Quốc), nhờ xi măng Việt Nam thâm nhập thị trường mà giá xi măng tại tỉnh Quảng Đông đầu năm 2023 đã hạ nhiệt.
Nguồn cung xi măng từ Việt Nam được kỳ vọng sẽ đáp ứng đáng kể nhu cầu của lĩnh vực xây dựng Trung Quốc cũng như cải thiện giá xi măng tại Quảng Đông trong thời gian tới.
Thực tế, bên cạnh cá tra và cao su thì xi măng là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất trong thời gian qua.
Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam khi chiếm tới 54% tổng sản lượng năm 2021.
Tuy nhiên, sản lượng nhập khẩu xi măng Việt Nam của Trung Quốc giảm do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cũng như thị trường bất động sản trầm lắng.
Đơn cử như 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 3,4 triệu USD, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, trước động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang nước này sẽ phục hồi trong nửa cuối 2013.
Theo Báo Chính phủ, năng lực sản xuất xi măng hàng năm của Việt Nam hiện đạt 110 triệu tấn, đứng thứ 5 thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nga.
Đây là một điều đáng mừng vì từ nước thiếu xi măng trầm trọng trước năm 1993, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu xi măng từ năm 2010. Nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh, thu về hàng tỷ USD, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu xi măng hàng đầu Đông Nam Á.
Truyền thông Trung Quốc nhận định, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà năng lực sản xuất của các doanh nghiệp xi măng nội địa Việt Nam liên tục tăng, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu dồi dào, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm.