Mặt trời của chúng ta không đơn giản chỉ là một khối cầu lửa luôn rực cháy. Nó là một khối plasma đậm đặc thì đúng hơn, còn nhiệt độ trên đó thì rơi vào mức... không tưởng.
Tuy nhiên, kể từ khi loài người bắt đầu công cuộc chinh phục vũ trụ, Mặt trời đã luôn là đối tượng cần thiết để nghiên cứu. Bằng các nghiệp vụ và thiết bị cần thiết, các chuyên gia tại NASA đã phát hiện ra một sự thật kỳ lạ.
Đó là dù bề mặt Mặt trời đã có nhiệt độ cực nóng (khoảng 5.500 độ C), nhưng tại bầu khí quyển xung quanh - còn gọi là quầng nhật hoa (corona) - thì còn kinh hoàng hơn, khi nhiệt độ tại đây lớn hơn từ 200 - 500 lần bề mặt.
Điều này có nghĩa rằng, tại các quầng nhật hoa, nhiệt độ có thể lên tới hàng triệu độ C. Và đây đã là một trong những bí ẩn thế kỷ của Mặt trời mà NASA chưa có cách nào lý giải, cho đến khi kính thiên văn IRIS (Interface Region Imaging Spectrograph) được phóng lên vũ trụ.
Theo các dữ liệu từ IRIS mang lại, vùng nhật hoa dường như bị "hun nóng" bởi vô số quả bom nhiệt bên trong Mặt trời. Những quả bom này khi nổ sẽ phát ra một nguồn năng lượng khổng lồ. Cùng với từ trường, nguồn năng lượng này sẽ được giữ lại trong quầng nhật hoa.
Kính thiên văn IRIS có khả năng phân tích cả vùng chuyển tiếp năng lượng - khu vực nằm giữa bề mặt của Mặt trời và quầng nhật hoa. Qua đó, IRIS có thể tính được tốc độ di chuyển của hơi nóng với độ chi tiết cao chưa từng có.
Kính thiên văn IRIS
"Vì IRIS có thể phân tích vùng chuyển tiếp với độ chính xác gấp 10 lần công nghệ trước đây chúng ta có thể quan sát được nhiệt độ tăng đột biến tại Mặt trời, cùng từ trường tại đây" - chủ nhiệm nghiên cứu, tiến sĩ Paola Testa thuộc ĐH Harvard cho biết.
Kể từ khi được phóng lên vũ trụ vào năm 2013, IRIS đã đóng vai trò như một thấu kính khổng lồ, cho phép chúng ta nghiên cứu kỹ càng hơn về hoạt động của Mặt trời. Và nay, chúng ta được biết thêm về sự bùng nổ của từ trường trên Mặt trời - tất nhiên đều nhờ vào IRIS.
Nhưng nghiên cứu này có mục đích gì? Theo các chuyên gia, việc nghiên cứu về hoạt động của Mặt trời sẽ cho chúng ta các thông tin về thời gian bão Mặt trời có thể đánh vào Trái đất. Được biết, những cơn bão từ Mặt trời có thể huỷ diệt hệ thống liên lạc trên hành tinh của chúng ta.
Những cơn bão Mặt trời là không thể coi thường
Ngoài ra, quá trình chế tạo lò tổng hợp hạt nhân thực chất cũng phụ thuộc vào cách Mặt trời hoạt động như thế nào.
Chỉ khi nắm được những phản ứng tổng hợp bên trong Mặt trời, chúng ta mới có thể phát triển thành công một dạng nhiên liệu vô giới hạn, nhưng sạch và cực kỳ an toàn.