Ngạn ngữ phương Tây có câu: "Nếu cuộc đời ném cho bạn một quả chanh, hãy pha một ly nước chanh mà uống."
Nhưng ở đảo Sicily, Italia, quê hương của nhân vật "Bố già" trong tác phẩm kinh điển cùng tên, chanh không chỉ là thứ đồ giải khát mà còn là cha đẻ của một trong những tổ chức tội phạm khét tiếng nhất hành tinh.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Lịch sử Kinh tế của Đại học Cambridge chỉ ra chính ngành trồng chanh ở thế kỷ XIX là căn nguyên hình thành nên tổ chức mafia tại Sicily.
So sánh 2 bảng số liệu về tội phạm và nông nghiệp của hòn đảo này, nhà kinh tế học Arcangelo Dimico nhận định rằng tội phạm mafia đã không xuất hiện nếu như không có sự bùng nổ của ngành trồng cây ăn trái này.
Cụ thể, từ giữa thời kỳ Chiến tranh Napoleon, nhu cầu tiêu thụ chanh tăng đột biến sau khi James Lind, một sỹ quan quân y của Hải quân Anh, công bố rằng quả chanh có thể chữa được bệnh scobat (bệnh do thiếu vitamin C gây ra).
Trước thời điểm đó, chanh đã là một mặt hành xa xỉ, nhưng chủ yếu được dùng để trang trí và tạo mùi thơm, chứ không ai ăn loại quả này.
James Lind (1716 – 1794), bác sĩ người Scotland phát hiện nước chanh giúp giảm số ca mắc bệnh scobat trong Hải quân Anh.
Sau công bố chấn động của vị sỹ quan, "cơn sốt chanh" bắt đầu lan rộng ra toàn cầu. Sicily – một trong những vùng đất hiếm hoi của châu Âu có khí hậu thuận lợi cho cây chanh phát triển – đã trở thành một "mỏ vàng" đúng nghĩa.
Trong những năm 1837 - 1850, sản lượng xuất khẩu nước ép chanh của vùng đã tăng từ 88 nghìn lít lên gần 2,5 triệu lít. Diện tích trồng chanh cũng được mở rộng với tốc độ chóng mặt, từ 7.700 ha năm 1853 lên gần 27.000 ha năm 1880.
Các nhà sử học ước tính, vào giữa thập niên 1880, cây chanh đã đem lại lợi nhuận bình quân trên một hecta cao gấp 60 lần so với các nông sản khác như nho, ô liu hay lúa mì.
Báo cáo thương mại của Chính phủ Mỹ năm 1889 ghi nhận giá chanh cao kỉ lục tại Sicily.
Giá trị kinh tế của quả chanh càng cao, người trồng chanh ở Sicily càng gặp nhiều thách thức. Họ vừa phải lo kì kèo với những tay lái buôn, vừa phải trông chừng vườn chanh khỏi bị trộm vào ban đêm.
Do đó, nhiều điền chủ bắt đầu thuê những "người bảo vệ" để trông coi vườn chanh, đồng thời làm trung gian trong những giao dịch.
Từ đây, những "người bảo vệ" tập hợp lại với nhau và hình thành nên các băng đảng, rồi dần dần trở thành tổ chức tội phạm khét tiếng mang tên mafia Sicily (hay còn được gọi là Cosa Nostra).
Để tăng sức thuyết phục cho nhận định của mình, Dimico và cộng sự đã chỉ ra mối tương quan giữa cường độ hoạt động của mafia với sản lượng chanh, thông qua điều tra nguyên nhân hàng loạt vụ án xảy ra tại 143 thành phố ở Sicily.
"Chính siêu lợi nhuận do cây chanh mang lại, cộng với sự lỏng lẻo trong pháp luật, đã tạo ra kẽ hở cho hoạt động phi pháp diễn ra" – Dimico khẳng định với tờ The Washington Post.
Đảo Sicily có nhiệt độ trung bình 10–22°C, thích hợp cho cây chanh vàng phát triển.
Cũng theo các tác giả, cuộc cải cách đất đai dưới triều đại Bourbon (1816 – 1860) đã tạo điều kiện cho mafia phát triển, vì địa chủ càng nhiều thì nhu cầu bảo vệ đất đai càng lớn.
Bản đồ Sicily năm 1900: chấm đỏ thể hiện vùng có mafia hoạt động, chấm đen thể hiện khu vực an toàn.
Dimico tiết lộ thêm công trình của ông cũng cung cấp những bằng chứng về mối liên hệ giữa những loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao với sự hình thành và phát triển của các tổ chức tội phạm.
Công trình hứa hẹn giúp chính phủ các nước hiểu hơn về thế giới ngầm, từ đó có biện pháp trấn áp linh hoạt và hiệu quả.
Nguồn: IFL Science, The Washington Post