Một tỉnh sắp có nhà máy 300.000m2 sản xuất mặt hàng Việt Nam xuất khẩu top 2 TG, DN đầu tư 2.500 tỷ là ai?

Pha Lê |

Hiện, tập đoàn này có hơn 10 nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam.

Tập đoàn đến từ Đài Loan (Trung Quốc) muốn làm nhà máy 100 triệu USD

Thông tin trên Báo Hà Tĩnh cho biết, sáng ngày 11/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức buổi làm việc với Tập đoàn Đại Lợi Phổ về xúc tiến đầu tư lĩnh vực cụm công nghiệp (CCN), sản xuất công nghiệp.

Tập đoàn Đại Lợi Phổ là doanh nghiệp đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Tập đoàn này được thành lập năm 1993, hoạt động trong lĩnh vực phát triển và cung ứng vật liệu cho ngành sản xuất giày thể thao. Hiện, tập đoàn này có hơn 10 nhà máy đang hoạt động tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Tiêu Thụy Phân - Chủ tịch Tập đoàn Đại Lợi Phổ cho biết, do nhu cầu đơn hàng ngày càng gia tăng cũng như tình trạng khan hiếm nguồn lực lao động tại một số khu vực, Tập đoàn Đại Lợi Phổ mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Hà Tĩnh.

Qua khảo sát một số CCN trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tập đoàn đánh giá cao CCN Lạc Thiện (Đức Thọ) vì đây là khu vực phù hợp với các tiêu chí của tập đoàn về nhân lực, vị trí địa lý.

"Chúng tôi có kế hoạch xây dựng một nhà máy với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD (gần 2.500 tỷ đồng) tại CCN Lạc Thiện với diện tích dự kiến khoảng 30 ha (300.000m2). Nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 4.500 - 5.000 lao động. Ngoài ra, tập đoàn có kế hoạch mở rộng thêm 1 xưởng tại Hà Tĩnh, cách CCN Lạc Thiện bán kính 20km sau khi xưởng tại đây đi vào hoạt động", lãnh đạo tập đoàn này cho biết.

Được biết, CCN Lạc Thiện tại huyện Đức Thọ được quy hoạch diện tích 30 ha và định hướng sau năm 2030 mở rộng lên 60 ha, có vị trí thuận lợi bám trục Quốc lộ 15.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Về dự định của tập đoàn, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho biết, Hà Tĩnh luôn mong muốn hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để xúc tiến đầu tư các dự án, đặc biệt trọng lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tỉnh cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Đức Thọ, Sở Công thương, Sở KH&ĐT và các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện theo quy định, đảm bảo hiệu quả.

Hà Tĩnh sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại của cả nước

Hà Tĩnh là một tỉnh ven biểm Miền Trung của Việt Nam, có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, quỹ đất công nghiệp đủ lớn và sẵn có, nguồn nhân lực dồi dào… thuận lợi cho việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cũng có phương án tổ chức không gian phát triển Khu kinh tế, Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp.

Cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Về phương án phát triển khu kinh tế, tiếp tục phát triển khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sớm hình thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh; nghiên cứu mở rộng quy mô diện tích, phạm vi ranh giới khu kinh tế Vũng Áng để đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững.

Phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Tây của tỉnh, trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Phát triển các khu công nghiệp (KCN) trong Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Cùng với đó, đến năm 2030, tỉnh quy hoạch phát triển 5 KCN với tổng diện tích khoảng 1.287 ha và 45 cụm công nghiệp có tổng diện tích khoảng 1.892 ha. Ngoài ra, bổ sung mới 24 CCN tại các địa phương. Các KCN và CCN được bố trí tại các vị trí kết nối giao thông thuận lợi, đảm bảo các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, các dịch vụ phục vụ người lao động...

Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới.

Trong gần 30 năm qua, giày dép là mặt hàng luôn đem lại doanh thu tỷ đô cho xuất khẩu Việt Nam. 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày của Việt Nam đạt 17,67 tỷ USD.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam ước tính, năm 2024 ngành có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại