Ngày 8/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1589/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân phấn đấu đạt 8%-9%/năm; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,3%-9,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới…
Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của Bắc Ninh có nhiều điểm đáng chú ý. Quy hoạch nêu rõ, các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường bộ, đường thủy nội địa, cảng hàng không và sân bay thực hiện theo các quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về đường bộ, đến năm 2030, địa bàn hoàn thành đầu tư và khai thác 4 tuyến cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc, quốc lộ và đường vành đai đạt khoảng 190km; xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường tỉnh đạt khoảng 420km.
Với đường thuỷ nội địa, ngoài 04 tuyến đường thủy do trung ương quản lý, quy hoạch 03 tuyến do địa phương quản lý. Phát triển cảng, bến thủy nội địa phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và quy hoạch khác có liên quan.
Về đường hàng không, quy hoạch 1 cảng hàng không (tiềm năng) tại huyện Gia Bình.
Về đường sắt, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh nâng cấp, cải tạo tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, xây dựng mới tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đường đơn, khổ lồng 1.000mm và 1.435mm, chiều dài dự kiến 167 km và tuyến vành đai phía Đông thành phố Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng; đường đôi, khổ lồng 1.000mm và 1.435mm với chiều dài khoảng 59km…
Bắc Ninh quy hoạch 04 cảng cạn; nghiên cứu phát triển bổ sung một số cảng cạn tại các khu công nghiệp có quy mô lớn, kết nối thuận lợi với đường bộ, đường thủy nội địa, có thể tích hợp với các trung tâm logistics.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đề cập đến hệ thống đường sắt đô thị: Nghiên cứu đưa vào áp dụng đường sắt LRT (Light Rapid Transit - Tàu điện nhẹ) dựa trên việc chuyển đổi mục đích sử dụng BRT (xe buýt tốc hành). Nghiên cứu quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng 12 tuyến đường sắt đô thị dọc các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ và đường chính đô thị.
Ngoài ra, về hạ tầng giao thông ngầm: Tỉnh bố trí ga tàu điện ngầm tại các khu vực trung tâm đô thị Bắc Ninh (thành phố Bắc Ninh, thị trấn Lim, thành phố Từ Sơn, phường Nam Sơn) và đô thị Hồ; đồng thời nghiên cứu kết hợp phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ; phát triển hạ tầng hầm đường bộ, bãi đỗ xe ngầm.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý III/2024 trên địa bàn tỉnh tỉnh tăng 4,5% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 5,52% so với cùng kỳ.
Xét theo khu vực, cả 3 khu vực kinh tế đều đạt được mức tăng, trong đó tăng nhiều nhất khu vực dịch vụ tăng 5,96%, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,76%; khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,09%; thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm tăng 2,33%.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) 9 tháng năm 2024 ước đạt 168.870 tỷ đồng. Về cơ cấu, khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 2,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 70,68%; khu vực dịch vụ chiếm 22,42% và thuế sản phẩm và trợ cấp sản phẩm là 4,03%.