Ninh Thuận chú trọng phát triển kinh tế biển bền vững
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều hòa, phân phối hợp lý đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10 -11%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 200 triệu đồng. Tỷ trọng GRDP của khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 53 - 54%; khu vực dịch vụ khoảng 34 - 35%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 12 - 13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2 - 3%. Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030. Tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 40% giá trị GRDP toàn tỉnh. Tỷ trọng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 7-8% GRDP của tỉnh...
Đến năm 2030, du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. Du lịch Ninh Thuận trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước.
Phát triển theo hướng "Bền vững – Chất lượng cao - Độc đáo"; vừa phát triển du lịch truyền thống, vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo về khí hậu, khám phá sáng tạo là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao đối với các khu vực trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch hiện có và biến những hạn chế thành tiềm năng du lịch khác biệt; tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Thuận, đáp ứng các chỉ tiêu đối với từng đô thị trong tỉnh; phát triển hệ thống cảng biển Ninh Thuận, gồm khu bến Cà Ná và khu bến Ninh Chữ là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực với chức năng bến cảng tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng/khí.
Theo phương hướng phát triển, phấn đấu đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,…).
Tầm nhìn chiến lược phát triển đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%.
Ninh Thuận thành nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao so với các địa phương khác trong cả nước, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Tháp Po Klong Garai là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận. Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+.
Tốc độ tăng trưởng GRDP cao, xếp thứ 9 cả nước
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông. Diện tích tự nhiên 3.358 km2, có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố và 6 huyện.
Tỉnh Ninh Thuận với lợi thế là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Tây nguyên và Nam Trung bộ, nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên. Với bờ biển dài 105km, có nhiều lợi thế nổi trội, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển.
Bờ biển dài 105,8 km, ngư trường của Tỉnh nằm trong vùng nước trồi có nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng với trên 500 loài hải sản các loại. Ngoài ra, còn có hệ sinh thái san hô phong phú và đa dạng với trên 120 loài và rùa biển đặc biệt quý hiếm chỉ có ở Ninh Thuận. Vùng ven biển có nhiều đầm vịnh phù hợp phát triển du lịch và phát triển nuôi trồng thủy sản và sản xuất tôm giống là một thế mạnh của ngành thủy sản.
Ảnh: Mèo Già
Theo thống kê về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của tỉnh ước đạt 19.345 tỷ đồng, tăng 8,67%, xếp thứ 9 cả nước và thứ ba các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 28.345,8 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm nay ước đạt 21.646,2 tỷ đồng, chiếm 76,4% tổng mức và tăng 13,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 29%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 27,5%; may mặc tăng 26,9%; lương thực, thực phẩm tăng 9,5%; phương tiện đi lại tăng 9,2%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.330,6 tỷ đồng, chiếm 15,3% và tăng 33,4%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 11,5 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 166,6%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 2.357,5 tỷ đồng, chiếm 8,3% và tăng 22,6%.
Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành của Ninh Thuận ước tính đạt 13.425,5 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 2.720,4 tỷ đồng, đạt 74,4% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao; trong đó; thu nội địa 2.697,1 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán; thu xuất nhập khẩu đạt 23,3 tỷ đổng, đạt 15,5% dự toán.
Tổng chi ngân sách địa phương 5.581,8 tỷ đồng (không tính chi từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ), đạt 74% dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh giao.