Các thiết giáp hạm lớp Iowa của Hải quân Mỹ được chế tạo trong Thế chiến II, đã được đưa hoạt động trở lại vào những năm 1980 dưới thời chính quyền Tổng thống Reagan, nhằm đối phó với các tàu tuần dương lớp Kirov của Liên Xô và tăng cường khả năng hỗ trợ hỏa lực mặt nước của hải quân.
Trước khi tàu sân bay trở thành tàu chiến mạnh nhất trên biển, những thiết giáp hạm đồ sộ đã thống trị các đại dương. Những tàu chiến lớp Iowa, là những thiết giáp hạm cuối cùng của Mỹ, được chế tạo cho Thế chiến thứ hai và được sử dụng rải rác trong những thập kỷ sau đó. Thật khó tin là chúng đã bị cho loại biên lần cuối vào đầu những năm 1990, chỉ 10 năm sau khi được tái triển khai.
Việc đưa Iowa trở lại hoạt động là một cuộc quyết định khó khăn và gây nhiều tranh cãi, nhưng tại sao chính quyền Tổng thống Reagan lại cố gắng tái kích hoạt các thiết giáp hạm Iowa? Chính quyền Mỹ khi đó cho rằng, việc tái trang bị cho bốn chiếc Iowa được coi là hiệu quả về mặt chi phí thay vì sản xuất lớp tàu chiến mới.
Lịch sử của thiết giáp hạm lớp Iowa
Lớp Iowa được thiết kế với vai trò là một thiết giáp hạm cơ động, có nhiệm vụ hộ tống các tàu sân bay. Sáu chiếc ban đầu được đặt hàng vào năm 1939, nhưng chỉ có bốn chiếc được hoàn thành trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Cả bốn tàu chiến lớp Iowa đều tích cực hoạt động từ Thế chiến thứ hai cho đến Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, những chiếc thiết giáp hạm này đã bị cho ngừng hoạt động vào cuối những năm 1950, vì chi phí bảo trì cao và phải duy trì một thủy thủ đoàn lớn. Cuối những năm 1960, USS New Jersey - một chiếc thiết giáp hạm trong lớp Iowa đã được tái kích hoạt, để hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị Mỹ hoạt động trên chiến trường Đông Dương, nhưng nó cũng chỉ xuất kích được một lần trước khi nghỉ hưu.
Tàu tuần dương chiến đấu lớp Kirov
Cuối những năm 1970, Liên Xô đã tăng cường các hoạt động quân sự ở Đông Âu. Hải quân Liên Xô cũng thực hiện chương trình hiện đại hóa và mở rộng, bổ sung thêm một số lớp tàu mới với công nghệ và vũ khí hoàn toàn mới lạ.
Đáng chú ý trong số đó là sự xuất hiện của tàu tuần dương chiến đấu lớp Kirov, đã khiến các nhà hoạch định và phân tích phương Tây lo lắng. Con tàu này chạy bằng năng lượng hạt nhân, nó có khả năng hoạt động trên biển dài ngày như những tàu sân bay. Tàu tuần dương Kirov được trang bị một hệ thống vũ khí ấn tượng, bao gồm hai mươi tên lửa chống hạm P-700 Shipwreck. Những tên lửa này có tầm bắn ước tính hơn 480 km và là mối lo ngại lớn đối với các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Kirov cũng được trang bị hệ thống vũ khí phòng không mạnh, với 96 tên lửa S-300, đủ sức đối phó với những phi đội không quân trên các tàu sân bay Mỹ.
Một giải pháp thay thế nhanh chóng và rẻ hơn
Để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng của Liên Xô, chính quyền Tổng thống Reagan đã tiến hành tăng cường năng lực quân sự trên mọi mặt. Đối với Hải quân, chính quyền Mỹ đã lựa chọn giữa việc tăng cường đóng tàu mới hoặc tái trang bị cho lớp Iowa. Với chi phí chỉ 326 triệu USD để tân trang và đưa thủy thủ đoàn vào các thiết giáp hạm, kế hoạch này đã được lựa chọn.
Một số chỉ huy hải quân đã nghỉ hưu đề xuất lắp đặt các đường dốc phóng ở đuôi tàu cho máy bay phản lực AV-8 Harrier cất cánh. Ngoài ra, các tháp pháo 130 mm sẽ được thay thế bằng lựu pháo 155 mm, thiết kế này nhằm hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng Thủy quân lục chiến chiến đấu. Tuy nhiên ý tưởng này không được ủng hộ do chi phí không cho phép.
Cuối cùng, các tàu Iowa đã được đầu tư cải tiến thiết bị điện tử, radar và hệ thống điều khiển hỏa lực. Về mặt tấn công, chúng được lắp ống phóng cho tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống hạm Harpoon. Chiến lược này nhằm tạo ra chiếc tàu chiến có tốc độ di chuyển cùng các nhóm tác chiến tàu sân bay và có khả năng giao chiến với các tàu tuần dương hạm Kirov.
Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga ra đời và kế thừa, nhu cầu về tàu chiến lớn để bảo vệ tàu sân bay đã biến mất. Hơn nữa, Iowa đòi hỏi số lượng thủy thủ đoàn lớn hơn nhiều so với các tàu tuần dương và tàu khu trục. Bên cạnh đó, các tàu khu trục cũng được trang bị các ống hệ thống phóng thẳng đứng, cho phép tấn công tầm xa và cơ động hơn nhiều so với những chiếc thiết giáp hạm, chính vì vậy mà các tàu chiến lớp Iowa đã hoàn toàn bị thất sủng và nhanh chóng bị cho nghỉ hưu.