Tổng thống Donald Trump phát biểu tại bang Texas - Mỹ hôm 12-1 Ảnh: Reuters.
Cùng với một số cuộc khảo sát khác, kết quả trên cho thấy sự sụt giảm đáng kể về tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump trong 2 tuần cuối của nhiệm kỳ, thời điểm diễn ra vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội và bước đi luận tội của Hạ viện.
Theo đài CNN, cuộc bạo loạn nói trên không khác gì lời cảnh tỉnh về một nước Mỹ không chỉ bị chia rẽ sâu sắc dưới thời ông Trump mà còn có thể trở thành "chiến trường" của bạo lực chính trị. Một thế giới nguy hiểm hơn so với thời điểm 4 năm trước cũng đang đợi ông Joe Biden sau khi ông lên nắm quyền, xuất phát từ một loạt mối đe dọa như đối đầu hạt nhân, biến đổi khí hậu..
Những mối đe dọa trên phần nào liên quan đến chính sách của ông Trump. Chẳng hạn như việc ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 và tiến hành chiến dịch "gây sức ép tối đa" lên Iran đã thúc đẩy Tehran vi phạm những gì đã cam kết, đồng thời khiến quan hệ hai nước ngày một căng thẳng. Trong khi đó, tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn đình trệ dưới thời ông Trump. Các chuyên gia vũ khí cho rằng Bình Nhưỡng đã gia tăng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa trong thời gian ông Trump nắm quyền. Chưa hết, Mỹ còn hủy bỏ Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga sau khi cáo buộc Moscow vi phạm thỏa thuận này.
Một di sản đáng chú ý khác của ông Trump là chính sách đối với châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Vào tuần rồi, chính quyền ông Trump đã giải mật một tài liệu về chính sách đối với châu Á và các thách thức tại khu vực, trong đó có các mối đe dọa của Trung Quốc. Theo báo The Washington Post, giới phân tích nhận định ông Trump đã không đạt được tiến bộ đối với các mục tiêu đề ra trong tài liệu này, như vun đắp mối quan hệ sâu sắc với các đối tác ở châu Á và ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông Paul Heer, chuyên gia thuộc Trung tâm Vì lợi ích quốc gia Mỹ, cho rằng ông Trump đã làm suy yếu vai trò lãnh đạo lâu nay của Washington khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.