“Sao em ích kỷ thế? Rõ ràng là bố mẹ chúng ta nhưng sao ngôi nhà của mình em?”, tiếng cãi vã của gia đình người đàn ông Đỗ Tâm tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khiến hàng xóm chú ý nhiều ngày liền. Mẹ Đỗ Tâm để lại căn nhà cho ông thừa kế nhưng những người anh em nhiều năm không gặp mặt đột nhiên lại xuất hiện đòi chia phần. Vì sao lại có sự việc trớ trêu này xảy ra?
Nhà 5 anh em nhưng chỉ 1 người chăm sóc bố mẹ
Đỗ Tâm sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, sống trong căn nhà 51m2 ở đường vành đai 2 Bắc Kinh. Sau này cha mẹ Đỗ Tâm kinh doanh thuận lợi hơn, mở rộng không gian sống lên đến 200m2. Anh chị em trong gia đình đều tốt nghiệp đại học, có tương lai xán lạn và nhanh chóng lập gia đình ổn định, ông bà Đỗ cũng đến tuổi nghỉ hưu.
Khi đó anh chị em đều sống xa nhà, chỉ có người con trai thứ 4 Đỗ Tâm chưa kết hôn mà vẫn làm việc ở Bắc Kinh nên họ giao cho Đỗ Tâm chăm sóc bố mẹ già. Ngay cả khi đã có gia đình, Đỗ Tâm vẫn chọn ở chung để hoàn thành trách nhiệm, lo cho đấng sinh thành chu đáo đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Gia đình họ Đỗ khi vẫn còn đầy đủ các thành viên
Trong suốt 30 năm này, anh chị em họ Đỗ rất ít khi trở về nhà, phó thác nhiệm vụ cho Đỗ Tâm. Chỉ có người chị cả vẫn chu cấp một ít chi phí sinh hoạt và về thăm bố mẹ dịp nghỉ lễ. Trước khi qua đời, bà Đỗ đã trăn trối với con gái cả và Đỗ Tâm về việc để lại căn nhà cho con trai thứ 4 thừa kế, những người con còn lại cũng có một phần tài sản nhất định.
Lúc này mẹ Đỗ Tâm đã bệnh nặng, không thể tự tay viết di chúc, không ngờ điều này lại dẫn đến những tranh chấp rắc rối sau đó.
Giá nhà tăng, hiềm khích xuất hiện
Lo liệu xong đám tang mẹ, vợ chồng Đỗ Tâm vẫn tiếp tục ở lại căn nhà cũ. 1 năm sau, 3 anh em trong nhà họ Đỗ đột nhiên đến tìm Đỗ Tâm. Hoá ra giá nhà đất ở khu vực vành đai Bắc Kinh khi đó đã tăng giá chóng mặt, ngôi nhà hiện nay có thể bán với giá ít nhất 20 triệu NDT (hơn 68 tỷ đồng). Chính vì vậy họ muốn bán căn nhà này đi sau đó chia đều nhưng Đỗ Tâm không đồng ý.
“Lúc em chăm sóc bố mẹ suốt nhiều năm qua thì các anh làm gì mà nay lại đến đòi nhà? Mẹ nói cho em thừa kế nhà và có chị cả làm chứng”, Đỗ Tâm gay gắt. Thế nhưng 3 anh em họ Đỗ lại nói không có di chúc “giấy trắng mực đen” và tốt nhất là nên làm theo quy định trong Luật thừa kế, chia đều tài sản bố mẹ để lại.
Họ cãi vã kịch liệt, Đỗ Tâm gọi cho chị cả để được bênh vực nhưng kết quả là gọi bao nhiêu cuộc vẫn không ai nghe máy. Lúc này người đàn ông hiểu ra chị cả cũng muốn được chia phần từ căn nhà này.
Cuối cùng họ quyết định đem chuyện ra thừa kế ra tòa nhưng vẫn bế tắc nhiều năm do ông bà Đỗ không để lại di chúc cụ thể, cũng không có đoạn ghi âm lời trăn trối. Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận địa phương một thời, đã có tới 12 lần toà án triệu tập anh em họ Đỗ hoà giải nhưng vẫn không thành.
Nhiều năm kiện cáo, Đỗ Tâm vừa đau khổ vừa bị thêm nhiều bệnh như huyết áp cao, nhồi máu não, mắt có nguy cơ mù lòa. Ông cảm thấy có lỗi vì đã hứa với mẹ không tranh cãi với các anh chị em nhưng kết quả là gia đình bị chia rẽ vì tài sản. Dù vậy người đàn ông này cũng không thỏa hiệp khi anh em muốn Đỗ Tâm chỉ được nhận 20% giá trị căn nhà.
Cuối cùng sự cứng rắn của Đỗ Tâm đã khiến chị cả lùi bước, đứng ra thỏa thuận chia 42% giá trị căn nhà cho ông, phần còn lại sẽ chia cho 4 người. Cuộc chiến tranh giành tài sản kéo dài suốt 10 năm chấm dứt nhưng có lẽ tình cảm gia đình của họ sẽ không bao giờ trở lại như xưa.
Kết quả này nằm ngoài suy nghĩ của nhiều người dân địa phương theo dõi vụ tranh chấp, họ cho rằng Đỗ Tâm xứng đáng nhận toàn bộ căn nhà thay vì phải chia cho những người anh em chỉ tham lam của cải. Các chuyên gia luật chỉ ra tầm quan trọng của việc lập di chúc hợp pháp sẽ tránh những tranh cãi không hồi kết như trong vụ việc của gia đình họ Đỗ.
Theo Toutiao