Nghiên cứu cho biết, băng đang tan chảy và lượng băng giảm dần đi, điều này đồng nghĩa các khu vực ven biển phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhiều hơn. Phát hiện trên làm dấy lên những lo ngại mới về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như khả năng gia tăng thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt ở các vùng ven biển trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học University College London (Anh) đã sử dụng dữ liệu từ vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu để phân tích những thay đổi của thềm băng ở biển Bắc CựcBắc Cực với nhiều tảng băng trôi nổi trên bề mặt đại dương.
Ông Robbie Mallett thuộc Đại học Khoa học Trái đất UCL, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, các tính toán trước đây về độ dày thềm băng đã lỗi thời.
Ông Mallett nói: "Vì băng trên biển hình thành muộn hơn, vào thời điểm cuối năm nên băng trên đỉnh có ít thời gian tích tụ hơn. Các tính toán của chúng tôi lần đầu tiên giải thích về khối lượng băng tuyết giảm này và cho thấy, băng trên biển đang mỏng đi nhanh hơn chúng ta nghĩ".
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét tác động của việc băng ở biển Bắc Cực mỏng đi có thể tác động như thế nào đối với các cộng đồng bản địa sống ở cực Bắc của thế giới.
Ông Mallett cho biết: "Sự mỏng đi của lớp băng trên biển sẽ gây ảnh hưởng đáng lo ngại cho các cộng đồng bản địa, vì nó sẽ khiến các khu định cư trên bờ biển ngày càng phải chịu tác động của thời tiết và sóng từ đại dương".
Băng tan trên eo biển Victoria, quần đảo Bắc Cực thuộc Canada. (Ảnh: AP)
Bắc Cực cùng với Nam Cực được coi là chiếc "tủ lạnh" của thế giới. Với lượng băng tuyết phủ tại đây, các khu vực này phản xạ nhiệt trở lại không gian, trong khi các phần khác của Trái đất tiếp tục hấp thụ nhiệt.
Những nghiên cứu từ đầu năm 2021 của các nhà khoa học tại Đại học Oulu ở Phần Lan kết luận rằng, tình trạng thất thoát băng ở biển Barents, một phần của Bắc Cực, đã dẫn tới một giai đoạn thời tiết khắc nghiệt ở Anh từ tháng 2 đến tháng 3/2018, gây ra thiệt hại lên tới hàng tỷ Bảng Anh.
Họ nhận thấy rằng, thời tiết khắc nghiệt được kích hoạt bởi một xoáy cực của không khí lạnh và áp suất thấp, dẫn đến tình trạng tuyết rơi rất dày ở khu vực Bắc Âu. Giáo sư Alun Hubbard, một trong những nhà khoa học tham gia vào dự án này, tin rằng, có thể còn có tình trạng thời tiết cực đoan khác nữa.
"Người ta có cảm giác Bắc Cực cách Vương quốc Anh một quãng đường dài, thực ra không phải như vậy. Vấn đề ở đây là những gì diễn ra ở Bắc Cực không chỉ gây ảnh hưởng ở Bắc Cực", giáo sư Alun Hubbard chia sẻ.
"Nếu Bắc Cực ngừng hấp thụ/phản xạ nhiệt, điều đó thực sự là rắc rối vì tất cả các hệ thống thời tiết của chúng ta sẽ thay đổi".