Một ranh giới đỏ đang trở thành "trò đùa" ở Syria?

Lâm Nguyễn |

Bất chấp những nỗ lực từ bên ngoài, một trong những loại vũ khí cấm vẫn được các bên sử dụng trong nội chiến Syria.

"Ranh giới đỏ"

Hồi đầu tháng Năm, báo Israel Haazetz cáo buộc chính phủ Syria đã sử dụng khí sarin để đối phó với IS khi lực lượng khủng bố này tấn công 2 căn cứ không quân của họ tại phía đông Damacus.

Vũ khí hóa học được đánh giá là một trong những cái cớ mở đường cho chính phủ Mỹ hợp thức hóa việc can thiệp quân sự tại Syria.

Tháng 8/2012, Tổng thống Obama đã gọi đây là ranh giới đỏ: "Chúng tôi đã rất nói rõ ràng với chính quyền Assad, và cả những nhân tố khác có liên quan rằng, "ranh giới đỏ" là khi chúng tôi thấy họ sử dụng hay điều động vũ khí hóa học. Điều đó sẽ thay đổi mọi tính toán của tôi".

Quan điểm này được Nhà Trắng một lần nữa nhắc lại vào tháng 4/2013.

Tuy nhiên, sau đó, vụ tấn công bằng hóa học vẫn diễn ra, nhằm vào Ghouta hồi tháng 8/2013, lam hàng nghìn người thương vong, khiến thế giới rất phẫn nộ. Nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới thậm chí đã yêu cầu đưa Tổng thống Assad ra Tòa án hình sự quốc tế (ICC).

Chỉ sau khi đạt được thỏa thuận với Nga vào tháng 9 về việc hủy toàn bộ vũ khí hóa học tại Syria, tình hình mới phần nào bớt căng thẳng.

Thế nhưng, theo báo cáo và thông tin từ nhiều tổ chức phi chính phủ, chính phủ và cả LHQ thì có vẻ như, việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc giao tranh đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Hãng tin Mỹ AP dẫn lời của tổ chức Y tế cộng đồng Mỹ-Syria (SAMS), cho biết từ 2013-2015 đã có hơn 161 lần các bên sử dụng vũ khí hóa học, riêng năm 2015 có 69 vụ. Còn hơn 130 vụ chưa có thông tin đầy đủ.

Chính phủ Syria không phải là bên duy nhất sử dụng vũ khí hóa học. Một báo cáo của tổ chức Chống vũ khí hóa học (OPCW) vào tháng 10 năm ngoái cho biết có ít nhất 1 vụ tấn công bằng khí mù tạt tại thành phố Marca - lúc đó đang là vùng "giằng co" giữa IS và 1 nhóm nổi dậy. 

Nhiều cuộc điều tra khác của OPCW cho thấy, một số nhóm nổi dậy đã và đang sử dụng sarin, chlorine và nhiều loại khí độc khác trong các cuộc tấn công.

Tổ chức Ân xá quốc tế cũng cung cấp bằng chứng rằng các nhóm thuộc lực lượng Jaish al-Fatah đã sử dụng rộng rãi khí chlorine, bom gas nhắm vào dân thường và quân người Kurd YPG.

Một ranh giới đỏ đang trở thành trò đùa ở Syria? - Ảnh 1.

 OPCW tiến hành tiêu hủy kho vũ khí hóa học của chính phủ Syria

Sẽ còn tiếp tục?

Sau nỗ lực loại bỏ vũ khí hóa học khỏi Syria năm 2013, cho đến nay chưa có động thái lớn nào nhằm ngăn chặn việc sử dụng các loại khí độc tại Syria. Ngay cả Mỹ, quốc gia hô hào lập "giới hạn đỏ", cũng chỉ có thể kỳ vọng đồng minh của chính phủ Syria (mà Nga là chủ yếu) sẽ thuyết phục Tổng thống Assad ngừng tấn công hóa học.

Điều này được chính tổng thống Obama thừa nhận trong buổi họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-vùng Vịnh năm 2015.

Đó là chưa kể tới việc, gần như không có cách nào thúc ép phe đối lập ngừng sử dụng loại khí gây chết người này.

Một trong những vấn đề lớn khiến Mỹ và đồng minh không hành động cũng là bởi việc tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria đã được xác nhận hoàn tất từ năm 2014, và hiện tại chưa rõ nguồn vũ khí mới này có tồn tại hay không và đến từ đâu.

Một vấn đề khác - thường được viện tới - là chlorine, một trong những loại khí độc thường được sử dụng nhất tại Syria, chưa "hoàn toàn" có tên trong danh sách cấm và không nằm trong số những hóa chất bị tiêu hủy năm 2013, theo Bộ Ngoại giao mỹ. Khác với sarin, VX hay khí mù tạt, chlorine vẫn có nhiều công dụng phi chiến tranh và khó có thể kết tội.

Vì thế, để lách luật, các bên đã chuyển sang sử dụng chlorine nhiều hơn kể từ sau đạo luật Tước bỏ vũ khí hóa học tại Syria (2118) được LHQ thông qua vào tháng 9/2013.

Báo giới đã hơn một lần đưa ra nhận xét cay đắng về việc "giới hạn đỏ" này bị vượt qua một cách trắng trợn. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sau gần 3 năm cố gắng xóa bỏ vũ khí hóa học tại Syria, phương Tây vẫn chưa đạt được một thành tựu nào.

Câu chuyện về sự kinh hoàng của các loại khí độc đang trở thành câu chuyện "cũ rích" trên mặt báo, còn loại vũ khí này dường như ngày càng được "ưa chuộng sử dụng", góp phần trì hoãn tiến trình hòa bình tại Syria.

Tính đến nay, đã có ít nhất 14,000 người thương vong do khí độc, trong số đó, phần lớn là dân thường tại các vùng giao tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại