Một quốc gia đang 'ngồi' trên 'mỏ vàng vô hình' trị giá 24 tỷ USD: Lượng vàng lên tới gần 500 tấn, có thể lấy thêm nhiều kim loại quý khác khi khai thác

AN CHI |

Theo IFL Science, khu vực Witwatersrand của Nam Phi có thể đang “ngồi” trên một “mỏ vàng vô hình”, được cho là có giá trị lên tới 24 tỷ USD.

Witwatersrand là nơi diễn ra cơn sốt vàng hồi cuối thế kỷ 19. Hoạt động này diễn ra rất sôi động và mang lại lợi nhuận cao đến mức thành phố Johannesburg được ra đời từ đó. Ước tính, tổng số 40% số vàng được khai thác trên Trái đất cho đến nay đều đến từ nơi này, theo đó để lại những đồi quặng đuôi khổng lồ.

*Quặng đuôi là vật chất được thải ra trong quá trình chế biến khoáng sản có dạng bùn.

Một quốc gia đang 'ngồi' trên 'mỏ vàng vô hình' trị giá 24 tỷ USD: Lượng vàng lên tới gần 500 tấn, có thể lấy thêm nhiều kim loại quý khác khi khai thác- Ảnh 1.

Witwatersrand của Nam Phi đang sở hữu hàng trăm tấn vàng.

Tiến sĩ Steve Chingwaru, nhà luyện kim 26 tuổi đến từ Zimbabwe, gần đây đã thực hiện một nghiên cứu. Theo đó, ông chỉ ra 6 tỷ tấn quặng đuôi ở xung quanh các mỏ tại Johannesburg có thể chứa tới 460 tấn “vàng vô hình”.

IFL Science giải thích, vàng không phải lúc nào cũng ở dạng miếng sáng lấp lánh. Đôi khi, một lượng nhỏ kim loại giá trị này cũng nằm trên trong các khoáng chất khác mà mắt người không thể thấy. Đây được gọi là vàng vô hình.

Tiến sĩ Chingwaru đãđịnh lượng số vàng bị “khoá” bên trong những ngọn đồi chất thải ở Witwatersrand. Sau đó, ông đã tìm ra cách tốt hơn để xử lý quặng đuôi để có thể thu được vàng, trong khi phương pháp hiện tại không mấy hiệu quả.

Tiến sĩ Chingwaru cho biết trong một thông báo: “Trước đây, nồng độ vàng bên trong các quặng đuôi thường là rất ít và có giá trị thấp. Tuy nhiên, giờ đây, việc khai thác rộng rãi đã khiến lượng vàng cao cấp dần cạn kiệt. Hơn nữa, việc khai thác cũng không khả thi khi một số hầm đã sâu tới 4 km dưới lòng đất. Do đó, việc tìm vàng ở những nơi có nồng độ thấp đang khả thi hơn.”

Ông giải thích rằng, thông thường quá trình này chỉ có thể giúp chúng ta khai thác 30% lượng vàng. Bởi vậy, nghiên cứu của ông tập trung vào việc tách 70% lượng vàng còn lại từ đá vàng găm (pyrite) một cách an toàn.

Ngoài ra, các biện pháp khai thác hiện tại đối với quặng đuôi cũng có tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Tiến sĩ Chingwaru cho biết, khi sunfua bị oxy hoá, chúng sẽ tạo ra axit sunfuric và việc chất này đi vào mạch nước ngầm sẽ tạo ra nhiều chất độc.

Đây cũng là một vấn đề lớn đối với một số vùng ở Johannesburg. Người dân nơi này lo ngại rằng nguồn nước ngầm của họ đang bị ô nhiễm do hiện tượng thoát nước mỏ axit ở các quặng đuôi.

Chingwaru chỉ ra đó là lý do tại sao ông muốn làm rõ tiềm năng kinh tế cũng như lợi ích môi trường của việc tái xử lý các đồi quặng đuôi một cách hiệu quả.

Ông cũng nói thêm, nếu xử lý đá vàng găm, chúng ta sẽ loại bỏ được vấn đề chính gây ra hiện tượng thoát nước mỏ axit và cũng tạo ra được giá trị kinh tế. Phương pháp của ông có thể giúp thu hồi các phụ phẩm có giá trị như đồng, coban và niken, đồng thời giảm hay thậm chí loại bỏ tình trạng ô nhiễm kim loại nặng và tình trạng thoát nước axit gắn liền với quặng đuôi.

Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng, quặng đuôi của Johannesburg chứa rất nhiều vàng, trị giá khoảng 450 tỷ rand Nam Phi (tương đương 24 tỷ USD).

Câu hỏi đặt ra là liệu phương pháp mới này có mức chi phí hợp lý để khai thác vàng và tạo ra lợi nhuận hay không. Tiến sĩ Chingwaru nói rằng, ông đã thảo luận với một số quan chức cấp cao trong ngành khai thác vàng ở Nam Phi. Họ tin rằng hoạt động này có thể được mở rộng để trở nên khả thi về mặt kinh tế, tức là thu về khoản lợi nhuận đáng kể.

Chia sẻ với tờ Al Jazeera, ông nói: “Các quan chức đều cho rằng việc khai thác vàng sẽ rất tốn kém, nhưng lợi nhuận vẫn có thể ở mức khá. Đặc biệt là nếu giá vàng vẫn ở mức như hiện tại.”

Tham khảo IFL Science



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại