Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Ánh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, trước đó, vào chiều 26/2, bệnh nhân nhập Khoa cấp cứu để khám do cảm thấy mệt, khó thở, sốt.
Qua khai thác bệnh sử từ người nhà, được biết cách đây một năm có tiêm filler làm đầy vùng ngực, sau một thời gian vùng ngực không còn như ý nên tuần trước có đi tiêm filler tiếp. Sau đó khoảng 3, 4 ngày thấy mệt, khó thở nên vào viện.
Qua chụp phim phổi, bác sĩ nhận thấy có tổn thương nên chẩn đoán viêm phổi cộng đồng, lúc này bệnh nhân khó thở vừa. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa hô hấp và làm các xét nghiệm cần thiết, trong đó có xét nghiệm Covid-19, kết quả âm tính.
Đến sáng 27/2, bệnh nhân có diễn tiến suy hô hấp, ho ra máu lượng nhiều nên được đặt nội khí quản và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực chống độc.
Tại đây, bệnh nhân rơi vào tình trạng thiếu máu nặng, rối loạn đông máu. Kết quả chụp CT không phát hiện bị tắc động mạch phổi hay não. Nhận thấy phổi bệnh nhân đầy máu, bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng chảy máu phổi (hay còn gọi xuất huyết phế nang lan tỏa).
Mặc dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi và tử vong vào ngày 28/2 với chẩn đoán sốc mất máu do chảy máu trong phổi.
Theo Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, hội chứng xuất huyết phế nang lan tỏa có thể gặp trong nhiều bệnh lý như rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng, nhiễm độc. Hiện, chưa kết luận được nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là do liên quan đến chất làm đầy.
Tuy nhiên, BS Ánh lưu ý, thông thường đặt túi ngực để làm đầy ngực, còn nếu tiêm filler sẽ có thể gây ra nhiều biến chứng như gây tắc động mạch, tĩnh mạch lớn dẫn đến tử vong. Dung lượng lớn chất làm đầy có nguy cơ gây chèn ép, thiếu máu nuôi dưỡng vùng da./.