Một phụ huynh than học phí 360 nghìn đồng nhưng phải đóng thực tế lên tới gấp 10 lần: Chuyện gì xảy ra?

Hiểu Đan |

Phụ huynh này cho rằng, học phí chỉ 360 nghìn đồng nhưng mình phải đóng hơn 4 triệu đồng.

Đến hẹn lại… lo, là tâm trạng của nhiều phụ huynh khi tiếp nhận các thông tin về thu, chi đầu năm học. Bên cạnh những khoản tiền bắt buộc phải chi như sách vở, đồng phục… thì các khoản thu khác cũng khiến nhiều cha mẹ áp lực.

Mới đây, một phụ huynh TP.HCM đăng đàn than vãn chuyện nộp tiền đầu năm cho con học trường công lập quá cao. Cụ thể, người này cho biết, giấy báo đóng tiền học phí của lớp 6 cho tháng 9 và tháng 10 trường con mình tổng cộng có 360 nghìn đồng. Nhưng phụ huynh phải đóng số tiền thực tế cho nhà trường hơn 4 triệu đồng. "Có nhiều khoản thu bất hợp lý", người này nói.

Trong hình ảnh được phụ huynh chia sẻ, tiền học phí tháng 10 chỉ 120 nghìn đồng; tiền nước uống 24 nghìn đồng; chuyển đổi số tháng 25 nghìn đồng; học phí buổi hai 240 nghìn đồng; bán trú phí, vệ sinh phí 200 nghìn đồng; tiền ăn trưa tháng 10 là 690 nghìn đồng; bảo hiểm y tế 884 nghìn đồng... Ngoài ra còn có các khoản khác như giáo dục kỹ năng sống; tiếng Anh với giáo viên nước ngoài; khám sức khoẻ, giáo dục stem, học phẩm. Tổng cộng hơn 3 triệu đồng.

Cộng với các khoản tháng 9 như tiền ăn, thiết bị bán trú... phụ huynh phải đóng số tiền hơn 4 triệu đồng cho cả 2 tháng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, những khoản được liệt kê nói trên không có gì bất thường, nằm trong danh mục được phép thu. Những khoản như tiền bảo hiểm y tế, bán trú là khoản không bắt buộc. Nếu muốn tiết kiệm, phụ huynh có thể chọn cho con học ngày hai buổi nhưng đưa đón về giờ trưa thì số tiền hàng tháng sẽ đỡ đi nhiều.

9 khoản thu dịch vụ, trường công lập được phép thu

Trước đó, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2024 - 2025.

Trong đó, 9 khoản thu dịch vụ, trường công lập được phép thu bao gồm:

- Thứ nhất, dịch vụ tổ chức phục vụ, quản lý vệ sinh bán trú. Ở học sinh nhóm 1, bậc mầm non, mức tối đa của học sinh là 550 nghìn đồng/học sinh/tháng; tiểu học tối đa 350 nghìn đồng/học sinh/tháng; THCS mức tối đa là 300 nghìn đồng/học sinh/tháng; THPT tối đa 250 nghìn /học sinh/tháng.

Học sinh thuộc nhóm 2, bậc mầm non, mức tối đa của học sinh là 500 nghìn đồng/học sinh/tháng; tiểu học tối đa 320 nghìn đồng/học sinh/tháng; THCS mức tối đa là 280 nghìn đồng/học sinh/tháng; THPT tối đa: 230 nghìn đồng/học sinh/tháng.

- Thứ hai, dịch vụ phục vụ ăn sáng. Học sinh thuộc nhóm 1: bậc mầm non tối đa 220 nghìn đồng/học sinh/tháng; bậc tiểu học tối đa 60 nghìn đồng/học sinh/tháng.

Học sinh thuộc nhóm 2: bậc mầm non tối đa 200 nghìn đồng/học sinh/tháng; bậc tiểu học tối đa 50 nghìn đồng/học sinh/tháng.

- Thứ ba, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ (bao gồm dịch vụ trông giữ trước và sau giờ học chính khóa, không bao gồm tiền ăn). Bậc mầm non thuộc nhóm 1 mức thu tối đa 12 nghìn đồng/học sinh/giờ; bậc mầm non thuộc nhóm 2 mức thu tối đa 11 nghìn đồng/học sinh/giờ.

- Thứ tư, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ (bao gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ, không bao gồm các ngày lễ, tết, không bao gồm tiền ăn). Bậc mầm non thuộc nhóm 1 mức thu tối đa 128.000 đồng/học sinh/ngày; bậc mầm non thuộc nhóm 2 mức thu tối đa 120 nghìn đồng/học sinh/ngày.

- Thứ năm, dịch vụ nhân viên nuôi dưỡng. Trong đó, khối nhà trẻ thuộc nhóm 1 và nhóm 2 đều có mức thu tối đa 260 nghìn đồng/học sinh/tháng; khối mẫu giáo thuộc nhóm 1 và nhóm 2 đều có mức thu tối đa 160 nghìn đồng/học sinh/tháng.

- Thứ sáu, dịch vụ khám sức khỏe học sinh ban đầu (bao gồm khám nha học đường). Học sinh nhóm 1 bậc mầm non tối đa 70 nghìn đồng/học sinh/năm; bậc tiểu học: 60.000 đồng/học sinh/năm; bậc THCS và THPT mức tối đa: 50 nghìn đồng/học sinh/năm.

Ở dịch vụ này, học sinh nhóm 2 tương ứng thấp hơn 5.000 đồng/học sinh/năm.

- Thứ bảy, dịch vụ sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh bao gồm tiền điện, chi phí bảo trì máy lạnh, chi phí thuê máy lạnh (nếu có). Đối với lớp đã trang bị máy lạnh, học sinh thuộc nhóm 1 có mức thu như sau: bậc mầm non, tối đa 50 nghìn đồng/học sinh/tháng; tiểu học: 450 nghìn đồng/học sinh/tháng; THCS và THPT: 35 nghìn đồng/học sinh/tháng. Mức này cũng chính là mức thu tối đa cho học sinh thuộc nhóm 2.

Đối với lớp chưa có máy lạnh, phải đi thuê, mức thu dịch vụ của tất cả các bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT ở các nhóm 1 và nhóm 2 đều như nhau, tối đa là 110 nghìn đồng/học sinh/tháng.

- Thứ tám, dịch vụ tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Mức thu tối đa này được quy định như nhau ở tất cả các bậc học và nhóm 1, nhóm 2. Theo đó, mầm non, tiểu học, THCS, THPT đều có mức thu tối đa: 110 nghìn đồng/học sinh/tháng.

- Thứ chín, dịch vụ đưa rước trẻ, học sinh bằng xe ô tô. Đối với tuyến đường dưới 5km, được quy định đồng đều ở tất cả các bậc học với mức tối đa: 10 nghìn đồng/học sinh/km; tuyến đường từ 5km trở lên, tối đa: 8 nghìn đồng/học sinh/km.

Trong đó, nhóm 1 là học sinh, học viên tại TP Thủ Đức và các quận của TP.HCM.

Nhóm 2 thuộc các huyện: Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại