Một phó soái Triều Tiên từng làm khách ở Nhà Trắng, liệu Trump sẽ tái hiện điều không tưởng?

Ngọc Anh |

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J. Perry cho rằng Mỹ có thể tấn công Triều Tiên, nhưng không phải là thời điểm này.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giai đoạn 1994-1997 dưới thời tổng thống Bill Clinton, ông William J. Perry mới đây có bài viết trên trang Politico với nội dung phân tích vì sao hiện tại không thể là thời điểm Mỹ nên tấn công Triều Tiên, và các bên nên nắm bắt cơ hội tìm kiếm giải pháp ngoại giao mới xuất hiện như thế nào.

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Perry, tình hình ở Đông Bắc Á đang ngày càng nguy hiểm vì kho vũ khí hạt nhân đang phình ra của Triều Tiên và những lời tuyên bố sử dụng vũ khí hạt nhân được nhắc đi nhắc lại.

Sự việc gây căng thẳng gần đây nhất là vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên vào cuối tuần qua, bất chấp những cảnh báo ngăn chặn của Mỹ trước đó.

Tuy nhiên, một nghịch lý đã xuất hiện, đó là, tình trạng căng thẳng leo thang đã mở đường cho một giải pháp ngoại giao mới. Ông Perry hy vọng Triều Tiên và các bên sẽ nhìn thấy cơ hội này để nắm bắt.

Một phó soái Triều Tiên từng làm khách ở Nhà Trắng, liệu Trump sẽ tái hiện điều không tưởng? - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry. Ảnh: Getty

Triều Tiên đủ tỉnh táo để không "tự sát"

Perry cho rằng, điều nguy hiểm không nằm ờ việc Triều Tiên thực hiện lời đe dọa của họ và sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ.

Ban lãnh đạo Triều Tiên, theo Perry, tuy khá liều lĩnh, nhưng họ không điên rồ hay "tự sát". Mục tiêu của họ là duy trì chính quyền ở Triều Tiên và đã thành công trong nhiều thập kỷ qua.

Theo phân tích của Perry, phía Triều Tiên biết rằng, nếu họ tiến hành tấn công hạt nhân, phản ứng của Mỹ sẽ rất không có lợi cho họ, mang lại chết chóc và sự tàn phá đất nước.

Vì vậy, Perry cho rằng điều nguy hiểm là Triều Tiên có thể "quá tay" và gây ra phản ứng quân sự từ Hàn Quốc.

Điều này, nếu xảy ra, sẽ nhanh chóng mở rộng thành một cuộc chiến lớn hơn, chắc chắn liên quan tới Mỹ, nước đang có khoảng 30.000 quân đóng tại Hàn Quốc.

Triều Tiên có thể sẽ thua trong một cuộc chiến như vậy, nhưng ở bước đường cùng, họ sẽ tấn công hạt nhân tiếp. Và ngoại giao Mỹ nên được điều chỉnh để ngăn chặn kịch bản thảm họa này xảy ra.

Quan điểm trên của Perry được hình thành bởi hai giai đoạn mà ông có dịp quan sát kỹ tình hình, động lực và logic hành động của Triều Tiên.

Cơ hội vô giá từng bị bỏ lỡ

Năm 1994, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng của chính quyền Clinton, Perry đã giám sát việc lên kế hoạch chi tiết cho một cuộc tấn công quân sự vào lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên đặt tại Yongbyon. Mục tiêu của cuộc tấn công này là nhằm chấm dứt việc sản xuất plutonium để chế tạo bom hạt nhân.

Lúc đó, Mỹ rất nghiêm túc trong kế hoạch tấn công và Bình Nhưỡng biết điều đó. Cách "ngoại giao cưỡng chế" này của Washington đã dẫn tới một thỏa thuận, tuy được thực hiện không mấy hoàn hảo, nhưng theo Perry, đã có tác dụng ngừng tiến trình hạt nhân của Triều Tiên trong một khoảng thời gian.

Đến nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bill Clinton, Perry rời khỏi Lầu Năm Góc và dẫn dắt một nỗ lực ngoại giao có mục tiêu tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Cùng với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, nhóm của Perry đã thảo luận một giải pháp được cho là sẽ mang lại kết quả: Bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên, đổi lại Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Thậm chí, Phó nguyên soái Jo Myong Rok, Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban quốc phòng Triều Tiên, "quyền lực số 2" ở nước này, đã thăm Mỹ vào tháng 10/2000 trong một sứ mệnh thiện chí do lãnh đạo Kim Jong Il ủy thác.

Các bên đã gần như đạt đến một thỏa thuận, trong đó bao gồm một chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới Bình Nhưỡng, trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của ông Clinton.

Nhưng khi Tổng thống George W. Bush của đảng Cộng hòa nắm quyền, ông đã từ bỏ kế hoạch ngoại giao của Clinton và theo đuổi một mô hình mang tính đối đầu hơn. Theo đánh giá của Perry, điều đó đã dẫn tới sự bỏ lỡ một cơ hội vô giá để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên.

Một phó soái Triều Tiên từng làm khách ở Nhà Trắng, liệu Trump sẽ tái hiện điều không tưởng? - Ảnh 2.

Trang nhất báo New York Times ngày 11/10/2000, khi tướng Jo Myong Rok của Triều Tiên đến thăm Nhà Trắng - người Triều Tiên đầu tiên trong 50 năm tính tới thời điểm đó có mặt tại đây.

Cơ hội ngoại giao mới đã xuất hiện

Hiện tại, Triều Tiên đã có khoảng 10-20 quả bom nguyên tử. Rõ ràng, đó là lý do tại sao ngoại giao chứ không phải là chiến tranh mới là con đường giải quyết vấn đề được ưa thích hơn.

"Tại sao chúng ta nên tin rằng biện pháp ngoại giao có thể thành công ở hiện tại, khi mà nó đã thất bại trong 16 năm qua?" Perry viết trên Politico.

Chiến lược đàm phán của Mỹ trong suốt 16 năm qua chủ yếu dựa trên các biện pháp kích thích hoặc trừng phạt kinh tế, thông qua các lệnh cấm vận.

Chiến lược đó không thành công, vì mục tiêu phát triển kinh tế của Triều Tiên luôn bị đặt sau mục tiêu bảo vệ chế độ của đất nước. Mà Triều Tiên thì tin rằng, để bảo vệ đất nước, họ cần phải phát triển vũ khí hạt nhân.

Tất nhiên, Perry nhấn mạnh, Triều Tiên chỉ có thể đạt được mục đích bảo vệ đất nước và chế độ nếu họ không sử dụng kho vũ khí hạt nhân đó.

"Một khi Triều Tiên sử dụng đến vũ khí hạt nhân thì số phận chính quyền coi như đã được định đoạt", ông viết.

Trung Quốc đã bắt đầu mất kiên nhẫn với Triều Tiên

Với cách hiểu đó, một chiến lược đàm phán mới có thể được Mỹ áp dụng. Chiến lược đó phải cho chính quyền Triều Tiên thấy rằng họ sẽ vẫn "sống tốt" mà không cần đến vũ khí hạt nhân. Chiến lược cần được hỗ trợ bởi các động lực cũng như trừng phạt về kinh tế mạnh mẽ hơn trước.

Một phó soái Triều Tiên từng làm khách ở Nhà Trắng, liệu Trump sẽ tái hiện điều không tưởng? - Ảnh 3.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu than chính của Triều Tiên. Ảnh: NYT

Nhờ vào những diễn biến hiện nay trong tình hình quốc tế, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng một phương án như vậy là khả thi. Đó là chiến lược mà Triều Tiên có thể sẽ chấp nhận.

Điều đầu tiên là khả năng hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc phải một mình chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề Triều Tiên, mà có nghĩa là Mỹ nên biến Trung Quốc thành một đối tác toàn diện trong việc hình thành và thực thi cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề.

Trung Quốc là đất nước duy nhất có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ về kinh tế đối với Triều Tiên – bằng cách ngừng viện trợ lương thực hay nhiên liệu. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn không muốn làm điều này.

Tuy nhiên, những mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên trong vài tháng trở lại đây ngày càng đi ngược các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên không chỉ gây mất ổn định an ninh trong khu vực, mà nó còn dẫn tới khả năng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ phát triển vũ khí hạt nhân – đó là kịch bản mà Trung Quốc rất muốn tránh.

Các hành động "răn đe" đang có tác dụng

Một điểm mấu chốt cho sự thành công của chiến lược đàm phán mới là việc Triều Tiên tin rằng các hành động của họ đã khiến Mỹ sẵn sàng phản ứng quân sự.

Trong các cuộc đàm phán với hai chính quyền Mỹ trước đây, Bình Nhưỡng có lý do để tin rằng các lời đe dọa tấn công quân sự từ Mỹ hay Hàn Quốc là... trống rỗng. Họ không coi trọng những đe dọa đáp trả đó.

Tuy nhiên, cuộc tấn công bằng tên lửa Tomakawk của Trump vào Syria hôm 6/4, việc điều đội tàu sân bay USS Carl Vinson hướng tới bán đảo Triều Tiên, có lẽ đã làm Bình Nhưỡng phải tính toán lại.

Lãnh đạo Kim Jong Un bắt buộc phải tin rằng khả năng Mỹ sử dụng các biện pháp quân sự là có thật, và ông cần điều chỉnh các hành động của mình.

Một phó soái Triều Tiên từng làm khách ở Nhà Trắng, liệu Trump sẽ tái hiện điều không tưởng? - Ảnh 4.

Cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ vào Syria được coi là một hành động răn đe đối với Triều Tiên. Ảnh: Getty

Độ tin cậy trong các tuyên bố của Mỹ về việc sử dụng biện pháp quân sự đối với Triều Tiên, ở thời điểm hiện nay, là tương đương với thời điểm năm 1994.

Khi đó, Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng rằng không cho phép Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, rằng Mỹ đã có một kế hoạch khẩn cấp (mà Bình Nhưỡng đã biết) để phá hủy các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, và rằng Mỹ đang bổ sung viện trợ quân sự cho Hàn Quốc.

Những hành động đó đã khiến lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành yêu cầu đàm phán và đưa ra lời hứa đóng băng các cơ sở hạt nhân ở Yonbyon trong khi đàm phán diễn ra.

Một phương án thay thế cho ngoại giao, tất nhiên, là hành động quân sự. Mỹ có thể sẵn sàng tấn công các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên giống như cách đã tấn công sân bay của Syria. Nhưng hậu quả thì sẽ khủng khiếp hơn nhiều.

Cựu Bộ trưởng Perry tin rằng, nếu bị tấn công, Bình Nhưỡng sẽ đáp trả bằng cách tấn công Hàn Quốc, và do đó cuộc chiến sẽ leo thang rộng hơn. Triều Tiên có thể thua, nhưng đồng minh Hàn Quốc của Mỹ cũng sẽ gánh chịu những hậu quả thảm khốc.

Perry cho rằng, Mỹ có thể có hành động quân sự nhằm vàoTriều Tiên ở một thời điểm nào đó, nhưng không phải lúc này. Vì hiện tại đã xuất hiện một cơ hội ngoại giao thực sự.

Câu hỏi lớn là các bên có thể nắm bắt cơ hội này không? Theo ông Perry, đây có thể là cơ hội cuối cùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại