Trải qua 3 đời quân chủa nước Tần là Thủy Hoàng, Nhị Thế, Tần Tử Anh, Triệu Cao cũng là một trong những thái giám chuyên quyền đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến cục diện chính trị của cả một vương triều.
Nuốt hận vào tim, quyết tâm báo thù
Triệu Cao sinh ra tại Triệu quốc, là hậu duệ của quý tộc nước Triệu. Lẽ ra, một vương công xuất thân cao quý như ông phải được hưởng cuộc sống xa hoa, sung sướng.
Tiếc thay ngày vui ngắn ngủi, tới năm 228 TCN, nước Tần khởi binh tiêu diệt nước Triệu. Vương công đại thần của Triệu quốc từ đó đều trở thành tù binh, Triệu Cao cũng không thoát khỏi bi kịch ấy.
Triệu Cao là một hoạn quan khét tiếng của Trung Quốc. Bên cạnh việc giữ chức hoạn quan, Triệu Cao còn đảm đương chức thừa tướng nhà Tần. (Ảnh: nguồn internet).
Sống dưới thân phận của một tù binh đồng nghĩa với việc Triệu Cao phải từ bỏ vinh hoa phú quý, suốt đời chịu kiếp làm tôi tớ. Bi kịch ập đến bất ngờ, lại thêm mối thù vong quốc khiến ông hận thấu xương nước Tần.
Tuy nhiên, nỗi thù hận của Triệu Cao lên tới đỉnh điểm khi ông phải chịu án "cung hình" (bị thiến). Chính từ giây phút ấy, âm mưu trả thù Tần quốc một cách tàn khốc nhất đã bắt đầu nhen nhóm trong đầu của hoạn quan họ Triệu.
Lấy lòng kẻ thù, "đục khoét" hoàng tộc
Sau khi trở thành thái giám, Triệu Cao liều mạng học tập văn thư, luật lệ của Tần quốc. Nhờ có tài xử án, lại cơ trí hơn người, ông dần thu hút được sự chú ý của Tần Thủy Hoàng.
Từ đó về sau, Triệu công công không lúc nào không nghĩ cách lấy lòng Hoàng đế. Nhờ xuất thân từ quý tộc, am hiểu lễ nghi hoàng thất, lại thông minh, khéo léo, Triệu Cao được đề bạt làm sư phụ của công tử Hồ Hợi – tức con thứ của Thủy Hoàng.
Tiếp cận với Hồ Hợi chính là bước ngoặt trong cuộc đời của Triệu Cao, cũng là bước biến chuyển lớn trong âm mưu "tắm máu" Tần quốc của thái giám nham hiểm này. (Ảnh minh họa).
Ở cương vị là thầy giáo của công tử, Triệu Cao hoàn toàn có cơ hội tiếp cận với hoàng tộc – trung tâm quyền lực của Tần quốc. Đồng thời, ông cũng nắm trong tay một quân cờ vô cùng giá trị – đó chính là Hồ Hợi.
Từ lúc ấy, Triệu Cao liên tục lợi dụng, chiếm lấy sự tín nhiệm của vị công tử non nớt này. Một mặt, ông phò tá Hồ Hợi lên ngôi, mặt khác, ông "dựa hơi" quân cờ này để bành trướng thế lực của mình và sau cùng là biến con trai Tần vương thành một con rối.
Giả truyền thánh chỉ, đảo lộn hoàng quyền
Khi Thủy Hoàng còn tại vị, Triệu Cao mặc dù được yêu quý, nhưng quyền lực vẫn chưa đến mức khuynh đảo triều đình. Đứng trên ông còn có hai văn – võ đại thần, một người là Thừa tướng Lý Tư, còn lại là Đại tướng quân Mông Điềm.
Tới lúc Thủy Hoàng băng hà, ông đã để lại di chiếu truyền ngôi cho Thế tử Phù Tô. Tuy nhiên, Triệu Cao giảo hoạt lại không lập tức công bố thánh chỉ.
Kẻ hoạn quan này chỉ dựa vào việc uốn ba tấc lưỡi đã thành công lôi kéo Thừa tướng Lý Tư về phe mình. Hai người này cấu kết với nhau, sửa lại di chiếu, đưa công tử Hồ Hợi lên ngôi, sử cũ gọi là Tần Nhị Thế.
Trong thời gian nắm quyền, Triệu Cao đã gây ra hai cuộc chính biến ở thành cung Sa Khâu và Vọng Ly. (Ảnh: nguồn internet).
Triệu Cao phế Phù Tô, lập Hồ Hợi, biến Tân đế trở thành quân cờ trong tay mình, cướp đoạt hoàng quyền, ngang nhiên hưởng thụ cuộc sống "dưới một người, trên vạn người", đồng thời bắt đầu thiết lập chế độ độc tài.
Âm mưu trả thù của thái giám họ Triệu tính đến lúc này đã hoàn thành được phân nửa.
Đổi trắng thay đen, lạm sát trung thần
Bước đi tiếp theo của Triệu Cao trong âm mưu trả thù nước Tần được thực hiện bằng kế hoạch "tắm máu" trung thần. Người đầu tiên trở thành nạn nhân của hoạn quan này không ai khác chính là Lý Tư – vị Thừa tướng năm xưa đã đồng lõa cùng Triệu Cao "trộm long tráo phụng".
Sau khi thanh trừng Lý Tư, Triệu Cao với "công trạng cái thế", nghiễm nhiên được Hồ Hợi phong làm Thừa tướng. Triều đình của Tần quốc lúc bấy giờ chìm trong cảnh "tắm máu".
Mọi đại thần và phe phái phản đối Triệu Cao đều bị hoạn quan này thanh thủ tiêu sạch sẽ, chỉ để lại tâm phúc và vây cánh của mình. (Tranh minh họa).
Tuy nhiên, âm mưu trả thù của họ Triệu này chưa dừng lại ở đó. Bằng thực quyền trong tay mình, Triệu Cao khiến nền chính trị của Tần quốc vốn đã hà khắc, nay lại càng trở nên dã man, phi nhân tính.
Quan binh lạm dụng nhục hình đối với dân chúng, Hoàng đế lại bị hoạn quan che mắt, Tần quốc nhanh chóng đứng bên bờ vực tuyệt diệt.
Tới đây, có thể nhận thấy ý đồ trả thù của Triệu Cao không dừng ở việc "đục khoét" hoàng tộc, "tắm máu" trung thần. Hoạn quan này còn muốn hủy diệt nền chính trị của Tần quốc, chớp thời cơ để bản thân lên ngôi Hoàng đế, nhằm trả được mối thù diệt quốc của nước Triệu năm xưa.
Làm việc phi nghĩa, tru di tam tộc
Sau khi nắm được hoàng quyền, với bản tính hung hăng, khát máu vốn có, Triệu Cao càng trở nên ngang ngược, tàn bạo. Sự chuyên quyền của hoạn quan này đã khiến dân chúng rơi vào cảnh lầm than, bách tính nơi nơi đứng lên khởi nghĩa.
Tuy nhiên, hoạn quan họ Triệu này vẫn tìm mọi cách lấp liếm, tấu lên triều đình rằng dân chúng vẫn đang an cư lạc nghiệp. Hồ Hợi những tưởng nước Tần vẫn đang quốc thái dân an, tiếp tục dung túng Triệu Cao làm điều xằng bậy.
Cho tới khi Tần Nhị Thế biết được thảm cảnh thực sự, ông mới vội vàng tìm Triệu Cao chất vấn. Nhận thấy mạng sống của bản thân bị đe dọa, Triệu công công nhanh chóng ra tay trước để chiếm lợi thế, hạ sát Hồ Hợi, đưa Tần Tử Anh lên ngôi vào năm 207 TCN.
Triệu Cao phò tá Tử Anh làm Tần vương, chẳng qua cũng chỉ là mượn thêm một tấm bình phong mà thôi. (Ảnh minh họa).
Để tiến hành bước cuối cùng trong âm mưu của mình, họ Triệu này nói với Tần Tử Anh rằng, trước khi ra thái miếu để nhận ấn làm vua, phải ăn chay 5 ngày.
Tử Anh từ sớm đã biết Triệu Cao đã giao ước với nước Sở, tiêu diệt họ Tần để tự lập làm vương. Việc "ăn chay 5 ngày" chẳng qua chỉ là cái cớ để Triệu Cao hoãn binh, lên kế hoạch để trừ khử Tử Anh mà thôi.
Bởi vậy, ông liền giả vờ ốm, không ra làm lễ trai giới. Triệu Cao sai người mời mấy lần, thấy Tử Anh không đi, liền đích thân đến tận nơi gặp ông.
Nhưng Triệu Cao vừa bước tới nơi đã bị hoạn quan Đàm Hàm cầm giáo đâm chết. Bấy giờ, Tử Anh liền triệu tập quần thần, liệt kê tội nghiệp của Triệu Cao, hạ lệnh xử án tru di tam tộc.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng, kế hoạch trả thù của thái giám họ Triệu này đã thành công đúng như mong đợi.
Không chỉ khiến hoàng tộc lụn bại, Triệu Cao còn đẩy nước Tần tới thảm cảnh diệt vong. Sau khi ông chết, Tần Tử Anh chỉ tại vị được 46 ngày. Đến năm 206 TCN, nhà Tần diệt vong chỉ sau 15 năm tồn tại.