Thuyết tiến hóa lần đầu tiên được nhà sinh vật học Charles Darwin đề xuất vào năm 1859, trong cuốn sách "Nguồn gốc của muôn loài". Ý tưởng chính của nó là tất cả các loài vật đều có chung một nguồn gốc, một tổ tiên.
Sự sống đã bắt đầu một cách tình cờ, khi các phân tử vô tri kết hợp lại với nhau thành một sinh vật đơn giản đầu tiên. Sinh vật này qua từng thế hệ nhân lên tích lũy được cho mình các đột biến sinh học.
Dưới tác động của một quá trình gọi là chọn lọc tự nhiên (giữ lại các đột biến thuận lợi cho sự sinh tồn và loại bỏ các đột biến xấu), sinh vật bắt đầu biến đổi thành các sinh vật bậc cao hơn. Nó cho phép sinh vật đơn bào tiến hóa thành đa bào. Sinh vật nhân sơ tiến hóa thành nhân thực. Các loài cá tiến hóa thành lưỡng cư, rồi thành thú. Các loài linh trưởng tiến hóa dần thành con người.
Ngay từ khi ra đời, "Nguồn gốc của muôn loài" đã vấp phải sự phản đối của những người có niềm tin tôn giáo tuyệt đối. Họ cho rằng con người và cả các loài sinh vật khác là một sản phẩm bất biến được tạo ra bởi Thượng Đế và gọi thuyết tiến hóa của Darwin là một ý tưởng nguy hiểm.
Kể từ đó đến bây giờ đã gần 200 năm trôi qua, nhưng thuyết tiến hóa vẫn không được nhiều người chấp nhận. Chẳng hạn, các cuộc khảo sát ở Mỹ từ năm 1985 đến năm 2010 cho thấy chỉ có 40% người trên 18 tuổi đồng ý rằng "loài người, như chúng ta biến đến ngày nay, từng phát triển lên từ các loài động vật trước đó".
Thật may mắn, một khảo sát mới do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện gần đây cho thấy trong hơn một thập kỷ qua, đã có thêm 24% người Mỹ nữa công nhận thuyết tiến hóa, đẩy con số lên 64%. Mặc dù vậy, nó vẫn còn thấp hơn nhiều con số tại các quốc gia khác.
Pew cho biết có 77% người Canada, 81% người Đức và 88% người Nhật Bản công nhận thuyết tiến hóa của Darwin là đúng. Rõ ràng, người Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm với nền giáo dục của mình.
Trình độ dân trí của người Mỹ đang tăng lên
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Public Understanding of Science cho thấy tỷ lệ người Mỹ công nhận thuyết tiến hóa đang tăng lên có công rất lớn của giáo dục. Mark Ackerman, nhà nghiên cứu trí tuệ tập thể tại Đại học Michigan lấy dẫn chứng: "Số người Mỹ có bằng đại học năm 2018 đã tăng lên mức gần gấp đôi so với năm 1988".
Theo ông, việc tốt nghiệp đại học là một minh chứng cho niềm tin khoa học của một người. "Thật khó để có được tấm bằng đại học mà không tôn trọng các thành tựu khoa học của nhân loại", Ackerman nói.
Phân tích cũng cho thấy tỷ lệ người Mỹ trưởng thành có trình độ khoa học đã tăng từ 11% vào năm 1988 lên 31% vào năm 2019.
Khi kiến thức khoa học trở nên phổ biến, nó cũng sẽ dễ dàng được lan truyền hơn. Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy ngày càng có ít học sinh tiếp xúc với "Thuyết sáng thế" hơn, khi các thế hệ giáo viên cũ tin vào nó đã được thay thế bởi thế hệ giáo viên mới tin vào thuyết tiến hóa.
Tuy nhiên, giáo dục không phải là thước đo duy nhất dự báo được niềm tin của người Mỹ vào thuyết tiến hóa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng quan điểm chính trị và tôn giáo là những yếu tố tiên đoán tốt hơn cho xu hướng này.
Sự ảnh hưởng của tôn giáo và chính trị
Ở Mỹ, thuyết tiến hóa luôn bị biến thành một chủ đề chính trị hóa cao độ. Những người theo Đảng Cộng hòa có xu hướng gắn các chính sách của mình với các giá trị Thiên chúa giáo. Vào năm 2019, khảo sát cho thấy chỉ có 34% đảng viên Đảng Cộng hòa chấp nhận thuyết tiến hóa. Trong khi, con số của Đảng Dân chủ là 83%.
Tính trên mặt bằng dân số chung, có khoảng 30% người Mỹ trưởng thành có niềm tin tôn giáo cơ bản mâu thuẫn trực tiếp với thuyết tiến hóa, gần bằng tỷ lệ phần trăm đảng viên Đảng Cộng hòa bác bỏ nó.
Kết quả là Mỹ đã trở thành một trong số các quốc gia phát triển nhưng lại có tỷ lệ người dân công nhận thuyết tiến hóa thấp nhất. Họ chỉ xếp trên Thổ Nhĩ Kỳ, còn lại thua xa các nước khác ở Châu Âu, Châu Á và ngay nước láng giềng Canada.
Một phong trào chống thuyết tiến hóa tại Mỹ trong thập niên 90.
Mặc dù giáo dục phát triển vẫn đang tiếp tục lan tỏa các giá trị khoa học tới nhiều người dân Mỹ, nhưng sự đối lập giữa khoa học với niềm tin tôn giáo và sự bảo thủ chính trị vẫn còn đó, các tác giả nghiên cứu cho biết.
Tin vui là điều đó đang dần được thay đổi. Phân tích cho thấy vào năm 1988, chỉ có 8% những người theo trào lưu tôn giáo chính thống chấp nhận thuyết tiến hóa. Trong khi đó con số vào năm 2019 đã lên tới khoảng 30%.
Các nhà nghiên cứu tin rằng cùng với sự phổ biến khoa học ngày càng tăng, sẽ ngày càng có nhiều người Mỹ rũ bỏ được những niềm tin tôn giáo bảo thủ của họ, từ đó ủng hộ các giá trị tiến bộ của nền văn minh nhân loại nói chung.