Một PGS Việt được Hội Đột quỵ thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc

D.Thu - M.Thanh |

PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều đóng góp cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và thế giới

Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết mới đây, PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), đã được Hội Đột quỵ thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh năm 2022, vì những đóng góp lớn cho chuyên ngành đột quỵ của Việt Nam và thế giới.

Là người đặt những viên gạch đầu tiên thành lập Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, PGS-TS Mai Duy Tôn được đề cử làm Trưởng bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não thuộc Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 17-5-2022.

Một PGS Việt được Hội Đột quỵ thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc - Ảnh 1.

PGS-TS Mai Duy Tôn

Năm 2007 là dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp của PGS Mai Duy Tôn, đây là lần đầu tiên ông được đi nước ngoài học tập tại Bệnh viện Mayo Clinic của Mỹ và cũng chính sau chuyến đi này, ông quyết tâm nghiên cứu chuyên sâu về chuyên ngành đột quỵ.

Theo PGS Mai Duy Tôn, đột quỵ hiện đang là vấn đề thời sự của thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ với xu hướng ngày càng trẻ hóa. Để đảm bảo người bệnh được cấp cứu và điều trị tốt, cần được chăm sóc và điều trị chuyên sâu để phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng.

Bên cạnh việc được điều trị tại các đơn vị chuyên điều trị đột quỵ thì cũng rất cần có các nhân sự được đào tạo chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa theo một quy trình chuẩn hóa để đảm bảo người bệnh được chăm sóc điều trị tốt nhất, giảm thiểu tối đa hậu quả do đột quỵ.

Một PGS Việt được Hội Đột quỵ thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc - Ảnh 2.

Điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Đ.Nguyễn

PGS Tôn cho biết với dân số 100 triệu, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh.

Theo kết quả nghiên cứu toàn quốc với 2.310 bệnh nhân đột quỵ cho thấy độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Tỉ lệ nam gặp đột quỵ gấp 1,5 lần so với nữ. Tỉ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 76% và chảy máu não là 24%.

Việc quản lý theo dõi bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. Với người đột quỵ, thời gian là vàng. Bệnh nhân đột quỵ cần được tiếp cận nhanh nhất với các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu chuyên sâu về đột quỵ.

Ước tính Việt Nam cần gần 400 đơn vị/trung tâm/khoa đột quỵ, nhưng thực tế hiện nay (đến 2022) mới có 125 bệnh viện có khoa đột quỵ, chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu của người bệnh.

PGS Mai Duy Tôn mong muốn xây dựng nhiều Trung tâm/khoa đột quỵ ở các bệnh viện trên toàn quốc, để khi người bệnh không may đột quỵ sẽ được tiếp cận gần nhất, sử dụng các phương pháp điều trị tốt nhất, tránh những tàn phế và di chứng đáng tiếc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại