Theo bà Hà Thị Tú Phượng, CEO METUB, các nhà quảng cáo chỉ thích chạy theo view, do đó đặt nặng việc quảng cáo trên những nội dung có view cao mà không quan tâm tới chất lượng của video.
Hệ quả là với một MV của Sơn Tùng chi phí sản xuất lên đến 1 triệu USD thì tiền quảng cáo thu về chỉ tương đương với video của mấy bạn ngồi nhà làm clip đơn giản cũng đạt hàng triệu view.
Trao đổi với ICTnews về việc làm thế nào để hạn chế được những nội dung có chất lượng thấp trên YouTube, bà Hà Thị Tú Phượng cho hay: “Hiện tại YouTube đã thay đổi thuật toán để giảm đề xuất hoặc tắt kiếm tiền đối với những nội dung chất lượng thấp”.
Trên YouTube đang tồn tại bạt ngàn các kênh làm nội dung có chất lượng thấp, các kênh này thường sản xuất video theo cách rất đơn giản nhất, đó là: Hàng ngày lấy ảnh và thông tin từ những sự kiện nóng trên các báo, rồi làm clip chạy chữ theo kiểu text kèm ảnh, có kèm lời đọc nội dung rồi đăng lên YouTube.
Với cách làm clip đơn giản như thế hầu như chủ kênh không phải đầu tư nhiều công sức, chỉ cần ngồi nhà mỗi ngày có thể sản xuất hàng chục clip. Điều đáng nói những clip sản xuất theo cách đơn giản tối đa này cũng được YouTube bật quảng cáo và tính năng kiếm tiền.
"Các kênh này có không chỉ có chất lượng nội dung hình ảnh thấp mà còn vi phạm bản quyền hình ảnh và nội dung của các báo, thế nhưng YouTube vẫn bật tính năng kiếm tiền khiến cho nhiều người đua nhau làm các dạng video này.
Có lúc mở YouTube ra xem người dùng được đề xuất một loạt nội dung nhảm kiểu đó”, anh Bùi Minh T, một nhà làm nội dung trên YouTube phản ánh.
Cũng theo anh T, để thực hiện được một clip chất lượng khá công phu và chi phí tốn kém có khi vài chục triệu đồng, ngoài việc phải đầu tư thời gian, chi phí đi các nơi để quay hình, làm tư liệu, những đơn vị sản xuất nội dung bài bản còn phải đầu tư hệ thống trang thiết bị ghi hình, dựng hình, phòng quay phim hiện đại lên đến tiền tỷ.
Thế nhưng, khi làm ra các sản phẩm video cũng chỉ kiếm được tiền quảng cáo ngang với những người ngồi một chỗ, đọc báo rồi sản xuất ra các clip tin tức có chất lượng hình ảnh, âm thanh rất kém. Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những nhà làm nội dung có chất lượng cao.
Theo một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, số lượng các nội dung độc hại, nội dung rác vẫn được YouTube cho kiếm tiền quảng cáo không đếm xuể. Ước tính cứ 10 đồng quảng cáo trên YouTube ở Việt Nam thì có 5 đồng rơi vào quảng cáo trên các nội dung xấu độc, nội dung nhảm nhí.
Trong khi đó, báo cáo với Bộ TT&TT, YouTube lại đổ lỗi cho chính các nhà làm nội dung ở Việt Nam là người tạo ra nội dung rác, nội dung xấu, độc. Việt Nam trở thành một trong số những nơi phát tán nội dung xấu độc, nội dung rác cao nhất trên toàn cầu.
Bình luận về vấn đề này, bà Tú Phượng cho rằng: "Phải đặt câu hỏi vì sao số lượng nội dung rác, nội dung xấu ở Việt Nam cao hơn hẳn so với các thị trường khác của YouTube. Mình không thể liên tục chờ sai phạm rồi lại đi xử lý được.
Nhà nước cần có quy định rõ ràng: nội dung như thế nào là xấu, nội dung rác, có quy định rõ ràng sẽ giúp các nhà quản lý mạng đa kênh (MCN), nhà quảng cáo hay người tạo nội dung chặn ngay từ đầu vào hay lúc tạo nội dung. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích tạo nội dung có ích, mang tính giáo dục.
Ví dụ, phối hợp cùng nhà quảng cáo tạo quỹ đầu tư cho việc sản xuất nội dung, trường quay, thiết bị để các bạn có kỹ năng kiếm tiền trên YouTube có thể sản xuất nội dung sạch...
Cũng theo bà Tú Phượng, các nhà sáng tạo nội dung là vấn đề chính, do đó để giải quyết tận gốc thì phải nhắm đến đối tượng này. Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube thì nghề làm nội dung trên mạng đang trở thành một nghề rất hot.
Do vậy, nhà nước cần khuyến khích làm sao để giáo dục quan tâm hơn đến nghề này. Thường những người làm nội dung spam là những người rất am hiểu về kỹ thuật, nhưng lại không có tiền để làm các nội dung tốt.
Cần khuyến khích các bạn ấy tham gia vào đội ngũ làm nội dung tốt, được đầu tư ứng dụng kỹ thuật cao để tạo ra các nội dung hay, có tính giáo dục thay vì xử phạt.
Theo số liệu của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), hiện có khoảng 136.000 kênh YouTube tiếng Việt, trong đó các mạng quản lý đa kênh (MCN) là các công ty được YouTube ủy quyền quản lý các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam quản lý khoảng 6.000 kênh, còn lại YouTube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh.
Cục PTTH&TTĐT cho rằng, sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý. Ví dụ, các kênh có sai phạm đã bị xử lý như Khá Bảnh, Bà Yến Ba Vàng đều là các kênh đăng ký trực tiếp với YouTube.