Một nhân vật là Tiến sĩ Toán đầu tiên của Việt Nam, làm rạng danh Toán học nước nhà, giữ chức Hiệu trưởng ĐH năm 33 tuổi

Kim Linh |

Vị Giáo sư này là Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam và cũng là Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học.

Người Việt Nam đầu tiên trở thành Tiến sĩ Toán học

Lê Văn Thiêm (1918-1991) là người có công đầu đặt nền móng xây dựng và phát triển nền Toán học Việt Nam. Ông là Tiến sĩ Toán học đầu tiên của nước ta và là một trong số các nhà khoa học tiêu biểu nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20.

Lê Văn Thiêm sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, khoa bảng ở Hà Tĩnh. Sau khi bố mẹ qua đời, ông theo người anh cả vào Quy Nhơn để học Trường Quốc học Quy Nhơn. Chỉ trong 4 năm, Lê Văn Thiêm đã hoàn thành chương trình 9 năm với thành tích đứng đầu. Hiệu trưởng Trường Quốc học Quy Nhơn, ông Michel Casimir thường khen ngợi cậu học trò Lê Văn Thiêm với mọi người: “Il ira plus loin que moi!” (Cậu ta sẽ tiến xa hơn tôi!).

Chân dung GS Lê Văn Thiêm. Ảnh: Internet

Lê Văn Thiêm nhận được học bổng sang Pháp du học và trở thành sinh viên khoa Toán tại Đại học Sư phạm Paris năm 1939. Do chiến tranh làm gián đoạn việc học, đến năm 1944 ông mới có thể lấy bằng Thạc sĩ Toán.

Ông tiếp tục được nhận học bổng sang Đức làm luận án Tiến sĩ Toán “Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên” do nhà toán học Hans Wittich hướng dẫn tại Đại học Göttingen, nơi được coi là trung tâm toán học thế giới thời điểm đó. Ông bảo vệ thành công luận án tháng 4/1946, trở thành người Việt Nam đầu tiên cầm trong tay bằng Tiến sĩ Toán.

Năm 1948, Lê Văn Thiêm bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học quốc gia về Toán tại Pháp, với đề tài "Về bài toán ngược phân phối giá trị các hàm phân hình" dưới sự hướng dẫn của GS Georges Valiron, chuyên gia hàng đầu về hàm giải tích. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời làm giáo sư toán học và cơ học tại Đại học Tổng hợp Zurich, Thụy Sĩ vào năm 1949.

Niềm tự hào của nền Toán học Việt Nam

Năm 1949, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Lê Văn Thiêm về nước tích cực tham gia kháng chiến. Ông công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ cho đến khi được Chính phủ điều động ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới năm 1951.

Lê Văn Thiêm được giao nhiệm vụ xây dựng Trường Khoa học Cơ bản (sau này là ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) và Trường Sư phạm Cao cấp (sau này là ĐH Sư phạm Hà Nội). Ông được cử giữ chức vụ Hiệu trưởng của hai trường này và giảng dạy môn Cơ học lý thuyết từ năm 1951, năm ông 33 tuổi. Giai đoạn 1957-1970, giáo sư giữ chức vụ Phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kiêm chủ nhiệm khoa Toán.

Giáo sư Lê Văn Thiêm (ở giữa). Ảnh: Diễn đàn Toán học Việt Nam

Các công trình nghiên cứu về ứng dụng hàm biến phức trong lý thuyết nổ của ông có ý nghĩa thực tiễn: Tính toán nổ mìn buồng mỏ núi Voi lấy đá phục vụ xây dựng khu gang thép Thái Nguyên (1964), phối hợp với Cục Kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng lập bảng tính toán nổ mìn làm đường (1966), phối hợp với Viện Thiết kế của Bộ Giao thông Vận tải tính toán nổ mìn định hướng để tiến hành nạo vét kênh nhà Lê từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh (1966 - 1967)...

Nhắc đến sự nghiệp Lê Văn Thiêm, người ta có thể gắn với rất nhiều chữ “đầu tiên”. Năm 1966, Lê Văn Thiêm làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam. 9 năm sau, ông trở thành Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học, có công lớn trong việc xây dựng và phát triển Viện cũng như tiềm lực đội ngũ Toán học nước nhà.

Nhiều cán bộ của Viện trở thành những nhà toán học có tên tuổi trên thế giới với những nhóm nghiên cứu được quốc tế thừa nhận. Hàng nghìn công trình toán học của Viện được công bố ở các tạp chí hàng đầu thế giới, hàng chục cuốn sách chuyên khảo được các nhà xuất bản có tiếng ấn hành. Đó là những kết quả có sự đóng góp tích cực của GS Lê Văn Thiêm và các học trò của ông, theo tư liệu Viện Toán học.

Giáo sư còn là tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí toán học Việt Nam là "Acta Mathematica Vietnamica" và "Vietnam Journal of Mathematics". Ông đóng vai trò là một trong những người sáng lập các lớp chuyên toán và tạp chí Toán học và tuổi trẻ, theo tư liệu của Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tượng Giáo sư Lê Văn Liêm tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, giáo sư Lê Văn Thiêm còn góp phần quan trọng trong việc hợp tác quốc tế giữa các nhà toán học Việt Nam với các nhà toán học thế giới. Ông đã đưa Hội Toán học Việt Nam tham gia Hội Toán học quốc tế với tư cách là một thành viên chính thức, đưa Viện Toán học tham gia Trung tâm toán học Banach tại Ba Lan. Nhờ mối quan hệ tốt và có uy tín khoa học của ông, nhiều nhà toán học có tên tuổi thế giới đã đến Việt Nam và nhiệt tình giúp đỡ cộng tác với các nhà toán học Việt Nam.

Với những đóng góp cho cách mạng và nền Toán học nước nhà, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học tự nhiên và kỹ thuật đợt đầu tiên năm 1996; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhì.

Tham khảo: Tư liệu VNU, Viện Toán học

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại